Trái phiếu DN 'mở bát' đầu năm: Áp lực đáo hạn đè nặng mọi kỳ vọng

Triển vọng cho kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024 dự kiến sẽ sôi động hơn nhờ sự cải thiện của môi trường vĩ mô làm tăng các hoạt động đầu tư và huy động vốn dài hạn, môi trường lãi suất thấp được duy trì, và thị trường đã dần làm quen với những quy định mới của Nghị định 65.
trai-phieu-xu-phat-1702566824.jpeg
 

Theo Báo cáo Cập nhật Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp tháng 1/2024 của Fiinratings, tính đến ngày 5/2/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6,45 nghìn tỷ từ 4 doanh nghiệp.

Mặc dù giá trị phát hành trong tháng 1-2024 khá khiêm tốn, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2023, tổng giá trị phát hành cũng chỉ ở mức 490 tỷ đồng.

Tuy vậy, nếu so với giai đoạn năm 2021 và 2022, tổng giá trị chào bán thành công trong tháng 1/2024 còn quá khiêm tốn so với con số 10,4 nghìn tỷ đồng của năm 2021 và 19,7 nghìn tỷ đồng của năm 2022.

Hiện một số doanh nghiệp cũng đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới, chủ yếu là các ngân hàng như HB Bank, VietBank và hai doanh nghiệp trong ngành bất động sản bao gồm Vingroup và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (DIG) với tổng giá trị phát hành lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.

Kế hoạch phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp đã công bố.

Bất chấp tình phát hành ảm đạm trong tháng đầu năm, các chuyên gia của Fiinratings vẫn lạc quan về triển vọng của kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp năm 2024. Theo Fiinratings, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của năm 2024 sẽ sôi động hơn năm 2023 do nhiều lý do.

Đầu tiên, ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Mặc dù nhóm ngành này chưa công bố hết kế hoạch, nhưng các chuyên gia Fiinratings cho rằng hầu hết các ngân hàng sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo.

Tiếp đến, môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn là một trong những yếu tố thúc đẩy triển vọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024. Để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, hầu hết các đợt chào bán trái phiếu hiện nay đều có cơ chế lãi suất thả nổi và neo theo lãi suất tham chiếu của các ngân hàng lớn.

Môi trường lãi suất trong nước được dự báo vẫn được duy trì thấp như hiện nay, đồng thời lãi suất quốc tế có xu hướng giảm trong những năm tới giúp các ngành và doanh nghiệp có nhu cầu vốn dài hạn có thể tính toán đến việc phát hành trái phiếu, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là khi bối cảnh kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, nguồn cung trái phiếu cũng đang được mở rộng và niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện cũng là những tín hiệu tích cực cho thị trường.

Tuy vậy, các chuyên gia Fiinratings cho rằng rủi ro đến từ những vấn đề đã phát sinh trong các năm qua vẫn còn hiện hữu và cụ thể là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 này.

Rủi ro đến từ trái phiếu bất động sản có số dư ở mức 382,0 nghìn tỷ; trái phiếu ngành xây dựng và vật liệu ở mức 72,5 nghìn tỷ và trái phiếu ngành du lịch & giải trí ở mức 75,8 nghìn tỷ. Đây là những ngành theo Fiinratings vẫn còn gặp nhiều khó khăn và quan trọng hơn là chất lượng các tổ chức phát hành đã huy động trong các năm trước về cơ bản ở mức thấp và có nhiều công ty dự án với tiềm lực tài chính còn mỏng hoặc mới đi vào hoạt động.