Tín dụng bất ngờ tăng vọt trong tuần cuối tháng 9

Tăng trưởng tín dụng bất ngờ tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9, từ 5,91% lên 6,92%, tương ứng hơn 120 nghìn tỷ đồng được ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế. Sự bứt tốc này gây chú ý trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng những tháng trước chậm lại.
goi-tin-dung-noxh-1677770476.jpeg
 

Thông tin này được đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chia sẻ tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tổ chức ngày 4/10.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Nhưng mức tăng này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm và còn khá xa với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% của NHNN.

Trước đó, đại diện NHNN cho biết, đến ngày 21/9/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 5,91%. NHNN cũng cho biết ước tính đến hết tháng 9 tín dụng tăng khoảng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022. 

Còn theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.

Như vậy, chỉ trong tuần cuối tháng 9, tín dụng đã có tăng trưởng khá mạnh, từ 5,91% lên 6,92%. Nghĩa là có đến hơn 120 nghìn tỷ đồng được ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế chỉ trong tuần cuối tháng 9.

Kể từ tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể các tháng trước (tăng trưởng tín dụng cuối tháng 6 là 4,73%, cuối tháng 7 là 4,54%). Vì vậy, sự bứt tốc của tăng trưởng tín dụng tuần cuối tháng 9 gây chú ý.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho hay, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung. Đến 31/7/2023, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 335 nghìn tỷ đồng, tăng 13,47% so với cuối năm 2022; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 44,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,09%.

Trong khi các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.

Còn tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tín dụng năm nay tăng thấp hơn so với năm ngoái nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn trong và ngoài nước, tác động đến doanh nghiệp. Cụ thể, phải kể đến những cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng đều giảm.

Trong bối cảnh đó, từ đầu năm nay, NHNN đã đề ra 11 giải pháp lớn để mở rộng tín dụng.
Thông qua các giải pháp trên, tín dụng được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế.

"Hy vọng trong 3 tháng cuối năm, theo thông lệ tín dụng sẽ tăng nhanh lên. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng tốc khi nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề công nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi từ động lực xuất - nhập khẩu và tiêu dùng cải thiện cùng những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản từ quý IV/2023 khi mặt bằng lãi suất giảm.