Xây dựng tiêu chuẩn mới về mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô con

Bộ Xây dựng đang dự thảo tiêu chuẩn mới về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với ô tô con theo nhằm cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Bộ Xây dựng đang dự thảo tiêu chuẩn mới về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với ô tô con theo nhằm cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ. Đây là một trong những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, thay vì áp dụng giới hạn tiêu thụ nhiên liệu cho từng mẫu xe riêng lẻ, nhiều nước và khu vực hiện đang chuyển sang quản lý theo mức tiêu thụ trung bình toàn đội xe do một nhà sản xuất cung cấp.

Với phương pháp này, những mẫu xe có hiệu suất nhiên liệu cao có thể "bù trừ" cho các mẫu kém hiệu quả hơn trong cùng danh mục của một hãng sản xuất. Cơ quan quản lý vì vậy có thể đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu chung về tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Theo Ban soạn thảo, việc thay thế TCVN 9854:2013 - tiêu chuẩn về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với ô tô con dưới 9 chỗ - là cần thiết. Bởi tiêu chuẩn này đã lạc hậu so với công nghệ xe hiện nay và chưa phản ánh đúng nhu cầu quản lý phát thải trong bối cảnh mới.

Dự thảo TCVN đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến hiện đề xuất hai phương pháp xác định mức tiêu thụ nhiên liệu.

Phương pháp 1: Giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu áp dụng cho từng kiểu loại xe - còn gọi là MEPS (Minimum Energy Performance Standards).

Phương pháp 2: Xác định mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của toàn đội xe theo nhà sản xuất - được gọi là CAFE (Corporate Average Fuel Economy).

Việc đồng thời quy định cả hai phương pháp MEPS và CAFE trong dự thảo được đánh giá là sẽ đáp ứng linh hoạt nhu cầu quản lý, cho phép cơ quan chức năng lựa chọn mô hình phù hợp trong từng giai đoạn và mục tiêu cụ thể.

Đây cũng là tiền đề để xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ, hướng đến quản lý hiệu quả hơn, đồng bộ với cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2050.

Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, các hoạt động giao thông vận tải phát thải khoảng 30 triệu tấn CO₂, trong đó vận tải đường bộ chiếm tới 85% tổng lượng phát thải của toàn ngành.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bản cập nhật đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 của Việt Nam đã đưa ra 10 nhóm giải pháp nhằm giảm phát thải CO₂ trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trong đó, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được xác định là giải pháp có hiệu quả lớn nhất, đóng góp tới 34,33% tổng lượng phát thải CO₂ giảm được trong ngành giao thông vận tải.