Thủ tướng đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, tạo xung lực phát triển đất nước

Thủ tướng đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực phát triển đất nước.

Sáng ngày 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng chuyển lời chúc mừng từ Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh những thành tựu quan trọng của đất nước trong năm 2024 bất chấp nhiều khó khăn, thách thức.

Việt Nam đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thủ tướng khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đạt được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có, trong đó ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng như "mạch máu" của nền kinh tế.

Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của ngành ngân hàng và nhấn mạnh năm 2025 là thời điểm tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% nhằm tạo đà cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới hai cột mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.

Bối cảnh quốc tế đầu năm 2025 có nhiều biến động, chính sách của các nền kinh tế lớn tác động đến Việt Nam. Do đó, hội nghị lần này nhằm đánh giá tình hình, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp và ngân hàng để đưa ra giải pháp phát triển kinh tế.

Đại diện các ngân hàng thương mại tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích kỹ khó khăn, thách thức cũng như thời cơ, đồng thời đóng góp ý kiến để làm mới các động lực tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực mới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu về công tác chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm", nhằm nâng cao hiệu quả của ngành ngân hàng.

Với phương châm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh từ nhân dân và doanh nghiệp", Thủ tướng kêu gọi tận dụng đòn bẩy ngân hàng để khai thác tiềm năng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển đất nước.

Trước đó sáng 3/2, ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, chúc mừng năm mới, giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng trong năm 2025 và thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các ngành nghề, chương trình ưu tiên như Chương trình phát triển nhà ở xã hội, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; hướng tín dụng vào làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, trong đó có tín dụng cho phát triển hạ tầng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số; tiếp tục xử lý các ngân hàng yếu kém, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, tránh không để xảy ra vụ việc tương tự ngân hàng SCB; tiếp tục tiên phong trong chuyển đổi số, kết hợp với thực hiện Đề án 06 và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành ngân hàng; làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách; hoàn thiện thể chế, bảo đảm bình đẳng và tạo không gian phát triển cho người dân, doanh nghiệp…

Nhấn mạnh tinh thần phải "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể", "coi trọng thời gian, đề cao trí tuệ và sự quyết đoán", vượt qua giới hạn của chính mình để tạo ra đột phá, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng luôn quán triệt phương châm này, cùng các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa, hiệu quả các chính sách, trong đó điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tạo hệ sinh thái tài chính, ngân hàng tốt, tạo việc làm, sinh kế cho doanh nghiệp, người dân cùng phát triển sản xuất, kinh doanh, với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "người dân, doanh nghiệp có phát triển thì ngành ngân hàng mới phát triển".

"Phải biết chia sẻ, biết cảm thông, đặt vị trí của mình vào vị trí người khác để cùng vượt qua những lúc khó khăn, thách thức và cùng phát triển", Thủ tướng mong muốn.