Địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập
Mới đây, phát biểu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện nay, quỹ đất sạch để phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn khan hiếm.
Theo ông Đính, ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập; quy trình phê duyệt thủ tục còn nhiều hạn chế, trong đó thời gian chờ lên tới 2-3 năm.
Còn tại báo cáo tóm tắt được trích dẫn từ báo cáo đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả Đề án 338 - do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện vào tháng 7/2023, cũng nêu rõ, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn.
Trong đó theo ban IV, nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án nhà ở xã hội phản ánh, họ phải đến “gõ cửa” trực tiếp các sở, ban, ngành liên quan tại các địa phương để tìm hiểu thông tin, nhưng nhiều trường hợp chỉ được giới thiệu những khu đất rất “xương xẩu” hoặc không nhận được thông tin rõ ràng để có thể tham gia các dự án diện này.
Nói về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng thậm chí cho biết, với quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội có một số địa phương còn quy hoạch bố trí quỹ đất nằm ở khu nghĩa trang, hoặc những nơi chưa giải phóng mặt bằng. Theo ông Tuấn, việc này cho thấy, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển nhà ở xã hội.
Còn theo Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện nay quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đang trong tình trạng thiếu. Nguyên nhân được chỉ ra đó là ở một số địa phương, sự quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa được đúng mức, chưa chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn... theo quy định của Luật Nhà ở.
Thậm chí có địa phương chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội có được thông qua phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị. Đáng nói, quỹ đất 20% này thường bị hạn chế do chủ đầu tư hay trì hoãn hoặc bố trí quỹ đất này ở những vị trí khó giải phóng mặt bằng, hoặc nộp thay bằng tiền theo quy định.
Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ thì làm nhà ở xã hội
Phát biểu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra rằng, hiện nay, nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: “Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua".
Thủ tướng yêu cầu các địa phương có nhiệm vụ quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, là những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm. Có người đến làm thì mới có người đến ở, mua nhà, phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.
Đồng thời, các địa phương tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỷ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư tiềm lực tốt.
"Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện", Thủ tướng yêu cầu.