THACO đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

THACO đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam triển khai theo 2 giai đoạn, hoàn thành toàn tuyến trong vòng 7 năm. THACO sẽ tự thu xếp phần vốn tự có chiếm 20% (khoảng 12,27 tỷ USD).

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải cho hay, Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và sau đó Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đã khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào lĩnh vực chiến lược, các dự án quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn…).

Sau khi nghiên cứu thấu đáo về Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với mục tiêu làm được điều gì tốt nhất và có đóng góp thiết thực và cao nhất  cho đất nước, THACO đã quyết định đề xuất đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 172/2024/QH15.

THACO đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1Ảnh minh họa.

Theo đó, THACO vừa đề xuất kế hoạch đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Mức đầu tư này đã bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trường hợp Nhà nước đảm nhận việc giải phóng mặt bằng, tổng vốn đầu tư sẽ giảm còn khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD).

Theo đề xuất, dự án sẽ được chia làm hai giai đoạn và hoàn thành toàn tuyến trong vòng 7 năm. Trong đó, giai đoạn đầu ưu tiên triển khai hai đoạn: Hà Nội – Hà Tĩnh và TP.HCM – Nha Trang. Giai đoạn tiếp theo sẽ nối tiếp đoạn còn lại từ Hà Tĩnh đến Nha Trang.

Về phương án tài chính, THACO dự kiến sử dụng 20% vốn tự có (khoảng 12,27 tỷ USD), huy động thông qua việc tăng vốn và phát hành cổ phần. Doanh nghiệp cho biết sẽ đảm bảo quyền kiểm soát vẫn thuộc về ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO – và gia đình. Khoảng 80% vốn còn lại (tương đương 49,08 tỷ USD) sẽ được vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, THACO cam kết không xin hỗ trợ lãi vay từ ngân sách Nhà nước, chỉ đề nghị được bảo lãnh khoản vay và bàn giao mặt bằng sạch để thi công. Doanh nghiệp cũng khẳng định không chuyển nhượng cổ phần hay toàn bộ dự án cho nhà đầu tư nước ngoài.

THACO trong đề xuất gửi các cơ quan chức năng cho biết sẽ triển khai công nghệ đường sắt chạy trên ray và điện khí hóa, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế và yếu tố hiện đại. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp dự kiến hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm hàng đầu đến từ châu Âu (như Đức, Pháp) và châu Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc), kết hợp cùng các doanh nghiệp trong nước để tiếp nhận công nghệ một cách hợp lý.

Cùng với việc làm chủ công nghệ trong các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, chế tạo đầu máy – toa xe, hệ thống tín hiệu – điều khiển và vận hành toàn hệ thống đường sắt tốc độ cao, THACO đặt mục tiêu hình thành ngành công nghiệp đường sắt nội địa. Thông qua dự án, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, đặc biệt là cơ khí, luyện kim và công nghiệp số. Với các hạng mục trong nước đã có khả năng đảm đương, THACO ưu tiên hình thức liên danh hoặc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa, phù hợp quy định tại khoản 8, điều 3 của Nghị quyết 172/2024/QH15.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành một dự án riêng do Nhà nước thực hiện, nhằm đảm bảo mặt bằng sạch cho việc triển khai. Đồng thời, THACO đề xuất được ưu tiên phân bổ quỹ đất để phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).

Về chính sách ưu đãi, THACO đề nghị được miễn thuế đối với các loại hàng hóa, thiết bị, phương tiện chưa thể sản xuất trong nước, theo điểm d khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt 2017. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn được hưởng toàn bộ các cơ chế, chính sách đầu tư đặc biệt quy định tại Nghị quyết 172/2024/QH15 cũng như các ưu đãi đầu tư cao nhất theo pháp luật hiện hành.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO – nhấn mạnh, doanh nghiệp cam kết phát triển các khu đô thị TOD một cách bài bản, với chi phí hợp lý, hướng tới phục vụ phần lớn người dân. Đồng thời, để đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia, THACO kiến nghị Nhà nước sở hữu một số hạ tầng và tham gia một phần trong khâu quản lý, vận hành. Trong các trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, THACO cam kết sẵn sàng chuyển giao toàn bộ quyền khai thác dự án cho Nhà nước sử dụng.

Về tổ chức thực hiện, THACO cho biết Tập đoàn thành viên THACO INDUSTRIES sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp nhận công nghệ và sản xuất đầu máy, toa xe, thiết bị phụ trợ phục vụ tuyến đường sắt và các phương tiện kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Trong khi đó, THADICO – ĐẠI QUANG MINH được giao vai trò đầu mối triển khai đầu tư xây dựng, vận hành và bảo trì hạ tầng, đồng thời khai thác quỹ đất gần các nhà ga theo mô hình TOD để phát triển các khu đô thị tích hợp.

Tập đoàn thành viên THISO sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp trong nước đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống hạ tầng xã hội như trung tâm thương mại, siêu thị Emart, trường học, bệnh viện, công viên… nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua.