Mới đây, một nghiên cứu của Đại học Edinburgh và Trinity College Dublin tại Anh đã chỉ ra những dòng điện thoại này thường thu thập trái phép thông tin danh tính của người dùng. Điều đáng sợ hơn cả là những spyware (phần mềm gián điệp) này đã được cài đặt mặc định khi người dùng mua điện thoại Trung Quốc.
Nhiều điện thoại smartphone nội địa Trung Quốc có nguy cơ bị theo dõi và làm rò rỉ thông tin người dùng
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích sâu các phiên bản Android 11 tùy biến chạy trên các flagship Xiaomi Redmi Note 11, Oppo Realme Q3 Pro và Oneplus 9R. Đây là 3 thương hiệu nổi bật nhất ở quốc gia tỷ dân.
Với những app đã cài đặt sẵn, đội nghiên cứu đã phân tích máy chủ mà các smartphone này kết nối. Kết quả cho thấy bảo mật người dùng không được bảo vệ đúng mức trên những thiết bị Trung Quốc này.
Theo nghiên cứu, nhiều dữ liệu cá nhân (personally identifiable information - PII) của người dùng đã bị gửi đến các nhà bán lẻ cũng như nhà mạng Trung Quốc như China Mobile mặc dù người dùng không hề sử dụng dịch vụ của các nhà mạng này.
PII bao gồm mã định danh liên tục (PID), địa điểm, hồ sơ người dùng và thông tin liên hệ của những người xung quanh. Cụ thể, những dữ liệu bị rò rỉ trái phép bao gồm thông tin hệ thống, các app đã cài đặt, vị trí GPS, tin nhắn, lịch sử cuộc gọi…
Các nhà nghiên cứu chỉ ra khi những thông tin này bị tiết lộ, người dùng sẽ không thể nào ẩn danh tính trên thế giới ảo và dễ dàng bị theo đuôi trong đời thực ngay cả khi thiết bị không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia bảo mật phát hiện ra mã độc được cài đặt sẵn trên các thiết bị khác nhau của Trung Quốc ngay từ khi xuất xưởng. Trước đó nhiều thiết bị công nghệ, bao gồm smartphone, máy tính bảng, máy tính... có xuất xứ từ Trung Quốc cũng đã phát hiện thấy cài đặt sẵn các phần mềm độc hại và có khả năng gián điệp, trong đó có nhiều sản phẩm chính ngạch được bán tại Việt Nam.
Theo CLVN