Hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã công bố thông tin về việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Theo đó, số lượng chứng khoán bị hủy niêm yết là gần 709,9 triệu cổ phiếu, tổng giá trị tính theo mệnh giá chứng khoán là 7.099,9 tỷ đồng – cũng là vốn điều lệ doanh nghiệp này. Quyết định hủy niêm yết có hiệu lực ngày 20/2 tới.
Theo HOSE lý giải, việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC do tổ chức niêm yết vi phạm nghiệm trong nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Quyết định này thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Trước thông tin này, chiều 14/2, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC Group) đã có kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC, trong đó cần thiết xem xét đến các lý do khách quan cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.
Theo đó, FLC Group cho biết, thời gian gần đây, Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh liên quan đến việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra.
Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc nêu trên là trong thời gian dài, Tập đoàn FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của FLC.
Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực, ngày 20/9/2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Nhưng do nhiều lý do khách quan, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.
Đánh giá việc chưa có báo cáo kiểm toán vì bất khả kháng nên FLC đã liên tiếp có văn bản giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ. Trong đó, tháng 8/2022, công ty đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng. Đồng thời, tập đoàn này cũng xin không bị đình chỉ giao dịch/huỷ niêm yết cho đến khi Bộ Tài chính chỉ định được công ty kiểm toán và đơn vị này kiểm toán báo cáo tài chính của FLC.
"FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình nêu trên", thông cáo của FLC viết.
Nhà đầu tư liệu có mất trắng?
Theo ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Kinh doanh Trung tâm 3 Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết, trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, với nhiều lý do trong đó có trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định, quy chế của sàn chứng khoán (HoSE hoặc HNX).
Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết trên HoSE, các công ty nếu có đủ điều kiện thì sẽ chuyển sang đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM. Như vậy, cổ phiếu vẫn có thanh khoản, nhà đầu tư có điều kiện giao dịch thuận lợi.
Theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
Luật Chứng khoán định nghĩa công ty đại chúng là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ, hoặc là công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đối chiếu vào FLC, vốn điều lệ 7.099,9 tỷ đồng, với hơn 64.700 cổ đông thì hẳn nhiên vẫn là công ty đại chúng. Và các cổ đông FLC chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM là việc hoàn toàn có thể xảy ra.
UPCoM vẫn thường có những làn sóng thâu tóm doanh nghiệp và thị trường UPCoM vẫn có thể sóng lên, xuống. Bởi vậy, theo ông Quang, việc hủy niêm yết trên sàn HoSE không hoàn toàn là thảm họa đối với cổ đông FLC.
“Tất nhiên, doanh nghiệp sắp tới ra sao còn tùy thuộc vào nội tại doanh nghiệp và bản lĩnh của Ban lãnh đạo mới của FLC. Nhưng việc hủy niêm yết không có nghĩa là các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu FLC mất trắng” – ông Quang nhận xét.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc Công ty luật TNHH Phúc Khánh Hưng cho biết, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Nói cách khác, với cổ phiếu đang được sở hữu thông qua công ty chứng khoán FLC thì nhà đầu tư vẫn là cổ đông của công ty. Việc hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của họ với tư cách cổ đông của công ty.
"Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được", luật sư Nguyễn Hưng nói.
Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.091 tỷ đồng, giảm 63% so với 9 tháng năm 2021 và lỗ trước thuế lên đến 1.888 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với giá gốc 4.015 tỷ đồng đang bị lỗ 1.269 tỷ đồng.