Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Với thời hạn sở hữu nhà chung cư, cơ quan này đưa ra 2 phương án: hoặc bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu xác định theo thời hạn sử dụng của công trình; hoặc giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay – tức không quy định thời hạn sở hữu.
Sở hữu chung cư có thời hạn thực chất là thuê nhà thời gian dài
Bình luận về quy định này, trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính-VietnamFinance, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng theo đề xuất mới, người sở hữu có thời hạn chung cư chỉ có quyền sử dụng có thời hạn chung cư, không có quyền sở hữu quyền sử dụng đất. Chủ đầu tư sẽ là chủ sở hữu quyền sử dụng đất và thực hiện các chức năng quản lý khi công trình hết hạn sử dụng.
“Chính việc chủ đầu tư vẫn là chủ sở hữu quyền sử dụng đất, nên khi tính giá trị các căn hộ chung cư, giá căn hộ chung cư sẽ không bị tính giá trị quyền sử dụng đất làm cho giá căn hộ chung cư rẻ đi rất nhiều và giá căn hộ chung cư sẽ giảm thấp”, ông Thịnh nói và cho rằng có thể coi đây là hình thức cho thuê căn hộ chung cư có thời hạn.
Theo đó, chủ đầu tư dự án vẫn là người nắm giữ quyền sử dụng đất và tiến hành xây dựng các khu chung cư theo quy hoạch và bán có thời hạn cho người cần mua.
“Người mua chung cư thực chất là đi thuê chung cư trong một khoảng thời gian đủ dài, không có quyền sở hữu quyền sử dụng đất đai. Giá căn hộ chung cư vì thế sẽ về đúng giá trị thật của nó, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có nhu cầu thực mà phần lớn là người lao động tại các khu vực đô thị lớn tiếp cận được nhà ở có giá hợp lý”, ông Thịnh nêu.
Ông Thịnh cũng cho hay, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc việc sở hữu chung cư có thời hạn cũng được thực hiện như một hình thức cho thuê dài hạn các chung cư. Tại Trung Quốc, quy định tại một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải, các căn hộ chung cư được bán dưới hình thức có thời hạn 50 - 70 năm, khi hết thời hạn thì nhà nước thu hồi và không phải thực hiện bồi thường.
Cũng theo ông Thịnh, Thái Lan quy định 2 hình thức cho người dân lựa chọn: sở hữu vĩnh viễn hoặc sở hữu có thời hạn tối đa 30 năm.
“Khi sở hữu vĩnh viễn, người sở hữu căn hộ chung cư được cấp quyền sở hữu đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đai. Còn trong hình thức sở hữu 30 năm thì chỉ có giấy chứng nhận sở hữu tài sản 30 năm và giá mua nhà có thời hạn chỉ bằng 30% - 70% nhà có quyền sở hữu vĩnh viễn. Quyền sở hữu đất đai vẫn do chủ đầu tư chung cư nắm giữ. Khi hết hạn sử dụng, người sở hữu chung cư có thời hạn có trách nhiệm bàn giao tài sản cho người chủ sở hữu chung cư”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thịnh, hiện nay Singapore cũng quy định cả 2 hình thức sở hữu nhà ở vĩnh viễn và sở hữu nhà ở có thời hạn, trong đó nếu sở hữu có thời hạn thì tối đa 99 năm. Các chủ căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn cũng không được cấp quyền sở hữu đất đai, chỉ được cấp quyền sở hữu có thời hạn tài sản và sau khi hết hạn phải bàn giao lại tài sản cho người chủ sở hữu mà không được đòi bồi thường hay nhận được một khoản đền bù nào khác.
Ông Thịnh cũng cho hay, thực tiễn tại TP HCM thời gian qua đã có một số chủ đầu tư dự án bán căn hộ theo hình thức sở hữu có thời hạn.
Ví dụ Công ty Cổ phần quốc tế C&T đã triển khai dự án Beehome tại quận Tân Bình để bán có thời hạn sở hữu đối với 318 căn hộ có diện tích 30 - 65m2, trong đó giá bán 180 triệu đồng với thời hạn sở hữu 6 năm, hoặc giá 347 triệu đồng với thời hạn sở hữu 12 năm. Sau khi hết thời hạn sử dụng thì chủ các căn hộ sẽ bàn giao các căn hộ lại cho chủ đầu tư để chủ đầu tư quản lý, sử dụng.
Hoặc như Công ty Lê Thành triển khai dự án Lê Thành Twin Towers và dự án Lê Thành Tân Tạo (quận Bình Tân) với diện tích 30 - 45m2 có giá bán 240 triệu đồng với thời hạn sở hữu 15 năm hoặc 350 triệu đồng với thời hạn sở hữu 49 năm. Sau khi hết thời hạn sử dụng thì chủ các căn hộ sẽ bàn giao các căn hộ lại cho chủ đầu tư.
“Thực tế trên cho thấy đây là một loại hình cho thuê nhà ở dài hạn của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, giúp thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm nhà ở để phù hợp với khả năng tài chính của người dân”, ông Thịnh nêu và nhấn mạnh sở hữu có thời hạn các chung cư chỉ là một hình thức chủ đầu tư các khu chung cư cho thuê có thời hạn lâu dài, xác định trước theo hợp đồng dân sự giữa chủ đầu tư chung cư và người đi thuê (người mua chung cư có thời hạn).
Vì vậy, theo ông Thịnh, cần giữ nguyên quy định theo khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai năm 2013, hoặc nếu cần thiết, có thể quy định cả 2 hình thức sở hữu vĩnh viễn và sở hữu có thời hạn với các chung cư. Đồng thời, trong Luật Nhà ở cần có các quy định rõ ràng, đầy đủ và toàn diện hơn đối với mỗi hình thức sở hữu để quá trình áp dụng trong thực tiễn được thống nhất, dễ dàng, đảm bảo tính hiệu lực của pháp luật.
Nên giữ nguyên quy định cũ
Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đề nghị không đặt ra quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, cần giữ nguyên quy định cũ.
Nguyên nhân là đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế không phù hợp cả về mặt khoa học, pháp lý cũng như thực tiễn. Thêm nữa, bản chất việc chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư hiện nay là chứng nhận “kép”: vừa chứng nhận quyền sử dụng đất (Luật Đất đai), vừa chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Luật Nhà ở).
Mặt khác, ông cho biết, giữa 2 mục tiêu: khuyến khích phát triển nhà chung cư và chung cư sở hữu có thời hạn đã tự mâu thuẫn.
"Nhà làm luật cần chọn một mục tiêu chính mà mình mong muốn nhất để quyết định lựa chọn chính sách nào", ông nói.
Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với tất cả dự án mới. Thay vào đó, HoREA cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, trừ trường hợp cá biệt sở hữu có thời hạn như căn hộ dịch vụ, căn hộ xây để cho thuê...
Theo Đầu tư Tài chính