Sắp khởi công cao tốc Quảng Ngãi- Hoài Nhơn

Ngày 1/1/2023, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chính thức được khởi công. Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1.

Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.470 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu. Dự án có điểm đầu kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại Km127+720 (thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) và điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 629, thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Dự án đi qua các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi và Thị xã Hoài Nhơn tỉnh Bình Định.

Gói thầu đầu tiên thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được khởi công là gói XL1 dài 30 km, có giá trị 3.862 tỷ đồng, thời gian thi công 34 tháng; với quy mô công trình: đường bộ cấp I và 31 công trình cầu (4 cầu cấp II, 20 cầu cấp III, 7 cầu cấp IV).

Nhà thầu được chỉ định thực hiện gói thầu XL1 là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco, do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu Liên danh.

Thi công hầm Thung ThiTại công trường thi công hầm Thung Thi dài 680m. Ảnh:TL

Căn cứ quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT và hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư, hồ sơ đề xuất của liên danh nhà thầu, chủ đầu tư đã tổ chức đánh giá và phê duyệt kết quả chỉ định thầu tại quyết định số 506/QĐ-BQLDA2 ngày 23/12/2022. Trong đó, năng lực và kinh nghiệm của Tập đoàn Đèo Cả được đánh giá, có đội ngũ cán bộ nhân viên trên 6.000 người trong đó có các kỹ sư quản lý giàu năng lực, kinh nghiệm; đội ngũ công nhân lành nghề đã tham gia xây dựng nhiều công trình phức tạp đặc biệt sự góp sức của Hội đồng cố vấn là các chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực như tài chính, kỹ thuật, pháp luật, kiểm toán…

Trong thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư bổ sung nhiều máy móc, thiết bị với giá trị trên 1.000 tỷ đồng, đặc biệt là các thiết bị thi công chuyên dụng như máy khoan hầm, máy phun vẩy, máy khoan nhồi đường kính lớn, máy đào, ô tô vận chuyển...

Về năng lực thi công hầm: Từ năm 2017 đến nay Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị đã thi công hoàn thành các công trình hầm đường bộ lớn nhất tại Việt Nam (hầm Hải Vân dài 6.000m, hầm Đèo Cả dài 4.200m, hầm Cù Mông dài 2.600m) và hiện đang thi công các hầm đường bộ khác như Thung Thi dài 680m, Trường Vinh dài 450m, hầm núi Vung dài 2.200m.

Về năng lực thi công đường: Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành 2 dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận có quy mô, tiêu chuẩn tương tự dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2; Hiện đang tiếp tục triển khai cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1) với vai trò là nhà đầu tư, tổng thầu thi công.

Về năng lực thi công cầu: Đèo Cả đã và đang thi công các cây cầu có tính mỹ thuật và kỹ thuật cao như: cầu vượt biển vịnh Cửa Lục tại Quảng Ninh là Cửa Lục 1, Cửa Lục 3, cầu vượt biển dẫn vào hầm Hải Vân; các cây cầu lớn trên các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Thi công cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2 sẽ đối diện rủi ro gì?

Nhận diện một số rủi ro khi thi công cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Thứ nhất, các điều khoản tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán… trong hợp đồng giữa Ban QLDA và nhà thầu chưa phù hợp, thiếu sự nhất quán giữa các Ban QLDA cần điều chỉnh để tránh ảnh hưởng đến tiến độ; vai trò chủ đầu tư và quản lý dự án của các BQLDA cần tách bạch.

Thứ hai, giá các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu luôn biến động theo chiều hướng tăng trong khi các địa phương công bố giá vật tư, vật liệu, chỉ số giá không kịp thời, chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho công tác điều chỉnh giá cũng như công tác thanh quyết toán, đồng thời khi các dự án đồng loạt triển khai dễ dẫn đến tình trạng các chủ mỏ đầu cơ tăng giá cao hơn so với công bố giá của địa phương. Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo để tháo gỡ nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ vật liệu thông thường dẫn đến nguy cơ chi phí tăng cao và chậm tiến độ.

Thứ ba, quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, xác định giá dự toán và lập hồ sơ yêu cầu dễ sai sót khi dự án được thực hiện trong thời gian ngắn, tính chất công trình theo tuyến đi qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp. Việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu sẽ là thách thức rất lớn đối với các bên tham gia thực hiện dự án trong bối cảnh hiện nay.

Điểm tập kết vật liệu trên công trường hầm Núi Vung.Điểm tập kết vật liệu trên công trường hầm Núi Vung. Ảnh:TL
Các vướng mắc cần tháo gỡ

Trước khởi công, các nhà thầu đã có những kiến nghị nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Cụ thể: Các nhà thầu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông Vận tải có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải, thời gian hoàn thành trước 30/01/2023.

Bộ xây dựng, Bộ GTVT rà soát, chỉnh sửa, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 877/QĐ-TTg ngày 22/07/2022, Cho phép áp dụng thí điểm mô hình thông tin công trình BIM cho Dự án cao tốc, đồng thời sớm có ý kiến về các định mức thi công chưa phù hợp mà Bộ GTVT đề nghị.

UBND các tỉnh khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu đã được Bộ GTVT lựa chọn và hoàn thành trước ngày 30/01/2023 để nhà thầu triển khai đảm bảo tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính công bố các chỉ số giá, đơn giá vật tư, vật liệu hàng tháng phù hợp với thực tế để đảm bảo công tác thanh, quyết toán công trình.

Các nhà thầu cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Ban quản lý dự án: Khẩn trương phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công để đáp ứng tiến độ thi công trên hiện trường tổ chức làm việc với UBND các tỉnh sớm bàn giao mặt bằng, đặc biệt tại các phạm vi đường găng tiến độ như (nền đất yếu, các cửa hầm, cầu, nút giao…) đồng thời vận động nhân dân tại khu vực dự án thống nhất việc nhà thầu sử dụng các đường tiếp cận vào công trường.

Yêu cầu tư vấn giám sát khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực đáp ứng với kế hoạch triển khai thi công của nhà thầu; đồng thời phải bố trí đủ nhân sự trong thời gian nhà thầu thi công xuyên Tết và các ngày nghỉ.

Trên cơ sở xem xét và đánh giá lại việc giải quyết các vướng mắc nêu trên thống nhất với nhà thầu đứng đầu liên danh lập kế hoạch thi công tổng thể trong đó xác lập rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể tham gia để báo cáo Bộ GTVT thông qua và công bố để người dân giám sát việc thực hiện với phương châm “Muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm”.

Thương hiệu Pháp luật