Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023; thay thế Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 34:2019/BTTTT ban hành kèm theo Thông tư số 08/2019/TT-BTTTT ngày 16/8/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh bao gồm: Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ FTTH/xPON (gọi tắt là dịch vụ truy nhập Internet cáp quang); dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ Modem cáp truyền hình (gọi tắt là dịch vụ truy nhập Internet cáp truyền hình). Áp dụng đối với doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất để thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất theo quy định của Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông; người sử dụng giám sát chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất của các doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật, dịch vụ bao gồm: Thời gian trễ trung bình; tốc độ tải dữ liệu trung bình; mức chiếm dụng băng thông; độ khả dụng của dịch vụ; thời gian thiết lập dịch vụ; thời gian khắc phục mất kết nối; khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ; hồi âm khiếu nại của khách hàng; dịch vụ trợ giúp khách hàng.
Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ có trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất phù hợp với Quy chuẩn này, thực hiện công bố chất lượng dịch vụ và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành; phải nêu rõ các giá trị Vd (tốc độ tải xuống), Vu (tốc độ tải lên) đối với từng gói dịch vụ cụ thể trong hợp đồng cung cấp dịch vụ với khách hàng.
Cục Viễn thông và các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai quản lý chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mắt đất theo QCVN 34:2022/BTTTT.
VietQ