POM vào diện huỷ niêm yết bắt buộc, cổ phiếu nằm sàn la liệt

HoSE cho biết cổ phiếu POM đã rơi vào diện huỷ niêm yết bắt buộc sau khi vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp.
pomina-1676303260.png
 

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa phát đi thông báo về việc huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu POM của Công ty Cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM).

Theo đó, HoSE cho biết cổ phiếu POM hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo Quyết định số 166/QĐ-SGDHCM ngày 10/4/2023 do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Ngày 2/4 vừa qua, HoSE đã có công văn nhắc nhở Pomina về việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.

“Như vậy, cổ phiếu POM rơi vào trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM thông báo về việc sẽ thực hiện huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu POM theo quy định này”, thông báo của HoSE nêu rõ.

Được biết, Pomina đã gửi đơn xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đến ngày 15/5/2024. Lý giải về lý do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán, Pomina cho biết đang tích cực làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc Pomina để cung cấp cho kiểm toán xem xét đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Trong ngày Pomina rơi vào diện huỷ niêm yết bắt buộc, cổ phiếu POM nằm sàn la liệt với hơn 5,2 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn và ở trong tình trạng trắng bên mua. Đóng cửa phiên 3/4, POM dừng lại ở mức giá 4.670 đồng/cổ phiếu, giảm 6,97%. Dù vậy, hơn 4,8 triệu cổ phiếu POM đã khớp lệnh trong phiên hôm nay (3/4), cao hơn khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng trở lại đây.

Thị giá của POM rơi xuống vùng dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) từ giai đoạn tháng 5/2022. Sau đó, giá cổ phiếu POM tiếp tục lao dốc và chạm đáy vào cuối tháng 10/2023 khi rơi xuống mốc 4.300 đồng/cổ phiếu.

ĐHĐCĐ bất thường của Pomina mới đây đã thông qua việc tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian tới để lành mạnh hóa tài chính và có vốn để khởi động lại lò cao chuẩn bị cho đợt phục hồi trong quý IV/2024. 

Pomina dự kiến thành lập 1 pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Pomina Phú Mỹ; vốn điều lệ từ 2.700 – 2.800 tỷ đồng (chiếm 40% nguồn vốn), vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng (chiếm 60%).

Tại Pomina Phú Mỹ, Pomina dự kiến sở hữu 35% vốn cổ phần, tương đương số tiền góp vốn 900 – 1.000 tỷ đồng, hình thức góp vốn bằng hiện vật bao gồm toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Nhà đầu tư khác sẽ sở hữu 65% vốn điều lệ còn lại, tương đương 1.800 – 1.900 tỷ đồng, thực hiện góp vốn bằng tiền.

Công ty Pomina Phú Mỹ sẽ được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của POM. HĐQT Pomina sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sát nhập Công ty Cổ phần Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ để tận dụng ưu thế lò cao, giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, Pomina sẽ chấm đăng ký kinh doanh của 2 đơn vị là Công ty TNHH Pomina 1 và Công ty TNHH Pomina 3.

Về nhà đầu tư chiến lược hợp tác với Pomina, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết chưa thể tiết lộ vì vẫn đang trong quá trình đàm phán. Sau khi đàm phán kết thúc, Pomina công bố danh tính nhà đầu tư tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào cuối tháng 4/2024. Theo tiết lộ của ban lãnh đạo, nhà đầu tư chiến lược của Pomina là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động rất gần với ngành thép.