Theo đó, trong quý II, TIS thu về 1.946 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 39% so với cùng kỳ (svck) năm ngoái. Lãi gộp âm 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 78 tỷ đồng.
Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, lần lượt 28% và 129% svck lên khoảng 45 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
Kết quả, công ty lỗ ròng xấp xỉ 98,7 tỷ, đánh dấu quý lỗ thứ 4 liên tiếp đồng thời là mức lỗ sâu nhất kể từ cuối năm 2018 của TIS (cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TIS ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.392 tỷ đồng, giảm 37% cùng kỳ năm trước.
Giá vốn giảm ít hơn cùng với các chi phí tài chính và chi quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh khiến công ty lỗ hơn 117 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 lãi gần 46 tỷ đồng.
Năm 2023, ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận 39 tỷ đồng. Với kết quả này, TIS không nhưng chưa ghi nhận tiến độ hoàn thành mà còn cách xa mục tiêu cả năm nay.
Sự ảm đạm này diễn ra trong bối cảnh tiêu thụ thép trên thị trường còn yếu và giá thép giảm 10 đợt liên tiếp kể từ tháng 4/2023.
Về tình hình tài chính, tính đến hết 30/6, tổng tài sản của công ty đạt 10.618 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 6.445 tỷ đồng nằm tại dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn II. Tài sản ngắn hạn chiếm 2.718 tỷ đồng, trong đó tiền mặt hơn 216 tỷ đồng.
Hàng tồn kho giảm không đáng kể, đạt 1.753 tỷ đồng, trích lập dự phòng gấp đôi cùng kỳ, ở mức 11,3 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng nhẹ lên 8.785 tỷ đồng so với mức 8.227 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 6.314 tỷ đồng, chi phí ngắn hạn phải trả khoảng 1.990 tỷ đồng, tăng gần 7%, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 2.994 tỷ đồng, tăng khoảng 3,3% so với đầu năm.