QC-Ecopark

PNJ lên kế hoạch kinh doanh thận trọng, bất chấp giá vàng tăng

Nguồn cung nguyên liệu cũng được PNJ đánh giá là thách thức lớn trong năm 2025 dù đã chủ động chuẩn bị vàng nguyên liệu phục vụ chế tác khi hoạt động thu mua gặp khó khăn hơn do giá biến động mạnh và nguồn cung khan hiếm.

Tâm lý chi tiêu dè dặt của người dân ảnh hưởng đến thị trường

Trước dự báo môi trường kinh doanh tiếp tục nhiều thách thức, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch năm 2025 với mục tiêu doanh thu 31.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.960 tỷ đồng. 

Giải thích về kế hoạch năm nay, lãnh đạo PNJ cho biết đã áp dụng nguyên tắc thận trọng khi dự báo tình hình kinh doanh. Theo đó, xu hướng chi tiêu dè dặt của người tiêu dùng đang ảnh hưởng đến sức mua của toàn ngành bán lẻ, đặc biệt là nhóm hàng xa xỉ. PNJ nhận định sức mua tiêu dùng có thể phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhưng với đặc thù ngành, trang sức thường có độ trễ trong chu kỳ phục hồi. Trong kịch bản khả quan, sức mua có thể ghi nhận tín hiệu tích cực từ nửa cuối năm.

tgd-pnj-1745718987.jpeg

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ

 

Ngoài yếu tố cầu, nguồn cung nguyên liệu cũng được PNJ đánh giá là thách thức lớn trong năm 2025. Mặc dù công ty đã chủ động chuẩn bị vàng nguyên liệu phục vụ chế tác, hoạt động thu mua gặp khó khăn hơn trước do giá biến động mạnh và nguồn cung khan hiếm.

Hội đồng quản trị PNJ cho biết, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay xuất phát từ quan điểm "trong nguy có cơ". Theo đó, thay vì tập trung tối đa vào lợi nhuận ngắn hạn, công ty sẽ ưu tiên phân bổ nguồn lực cho đầu tư dài hạn nhằm củng cố thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành trang sức và mở rộng sang các lĩnh vực mới, phù hợp với tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược phát triển trong năm 2025 của PNJ tập trung vào bốn trụ cột: mở rộng hệ thống bán lẻ, nâng công suất sản xuất, khai thác thị trường bán lẻ trang sức và tối ưu chuỗi cung ứng.

Cụ thể, công ty dự kiến mở thêm từ 12 đến 25 cửa hàng mới trong năm nay, nhằm tăng cường sự hiện diện tại các thị trường tiềm năng. Mục tiêu dài hạn là đạt 500 cửa hàng trên toàn quốc trước năm 2030. Song song, PNJ sẽ nâng công suất nhà máy từ 4 triệu lên 5 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm, nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi thị trường hồi phục.

Ở mảng bán lẻ, PNJ tiếp tục mở rộng phân khúc khách hàng với việc đẩy mạnh thương hiệu Mancode by PNJ – dòng sản phẩm trang sức dành cho nam giới. Công ty kỳ vọng đây sẽ là động lực mới giúp gia tăng thị phần trong tương lai.

Bài học từ năm 2024

Trước đó năm 2024, ban lãnh đạo PNJ nhận định, ngành vàng bạc đá quý và kinh doanh trang sức trong nước đối diện với cơn bão kép khi thị trường đồng thời đối mặt với thách thức từ cả nguồn cung và sức cầu.

Ở đầu vào, nguồn cung vàng nguyên liệu khan hiếm do giá tăng cao và các biện pháp siết chặt quản lý thị trường. Ở đầu ra, sức mua giảm, đặc biệt trong phân khúc hàng xa xỉ, khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu năm 2024 đạt 37.823 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.113 tỷ đồng, tăng 7,2%. Mảng bán lẻ trang sức tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chiếm hơn 58% tổng doanh thu và tăng 14,4%, cao hơn mức tăng chung.

Trong năm, PNJ liên tục ra mắt các bộ sưu tập mới theo mùa lễ hội, đồng thời phát triển thêm các mô hình bán hàng và mảng kinh doanh mới để tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng. Công ty cũng ứng dụng công nghệ trong tiếp thị, truyền thông để tăng kết nối và trải nghiệm mua sắm. Năm 2024, PNJ mở thêm 41 cửa hàng, nâng tổng số lên 429 cửa hàng tại 58/63 tỉnh, thành phố. Việc mở rộng mạng lưới phân phối giúp công ty tăng lượng khách hàng mới và nâng tỷ lệ khách hàng quay lại, củng cố vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ trang sức.