Xử phạt với 7 hành vi vi phạm
Như TCĐT Sinh thái nông nghiệp đã thông tin, ngày 21/3/2023, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-XPHC để xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Trang trại bò sữa công nghệ cao Phú Yên (Trang trại bò sữa Phú Yên) thuộc Công ty CP Tập đoàn TH (Tập đoàn TH) có địa chỉ tại thôn Hòa Thuận, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa về các hành vi vi phạm liên quan đến môi trường. Theo đó, Trang trại bò sữa Phú Yên được xác định đã thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với 7 hành vi vi phạm và bị xử phạt tổng số tiền lên tới 560 triệu đồng.
Cụ thể, Trang trại bò sữa Phú Yên được xác định đã thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường như: không thực hiện nội dung về quan trắc khí thải công nghiệp định kỳ; không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; không có kho lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường; bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; không khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong báo cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không quan trắc từ 25% đến dưới 50% các thông số phải quan trắc.
Cũng theo Quyết định xử phạt số 319/QĐ-XPHC này của UBND tỉnh Phú Yên, các hành vi vi phạm này của Trang trại bò sữa Phú Yên không có tình tiết tăng nặng. Về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ thì Trang trại bò sữa Phú Yên đã thành thật hối lỗi và tự nguyện khắc phục hậu quả đối với một số hành vi.
Từ các hành vi vi phạm về môi trường này, cùng với các tình tiết giảm nhẹ, UBND tỉnh Phú Yên đã xử phạt Trang trại bò sữa Phú Yên tổng cộng số tiền 560 triệu đồng. Trang trại bò sữa Phú Yên không phải khắc phục hậu quả do pháp luật không quy định hoặc không đủ căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp thu được. Đồng thời, Trang trại bò sữa Phú Yên cũng không bị áp dụng hình phạt bổ sung.
Ngoài ra, Quyết định xử phạt cũng nêu rõ, Trang trại bò sữa Phú Yên phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn mà công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là Quyết định này chỉ yêu cầu Trang trại bò sữa Phú Yên phải chấp hành việc nộp tiền phạt trong thời hạn 10 ngày. Còn đối với 7 hành vi vi phạm về môi trường, UBND tỉnh Phú Yên lại không đưa ra thời hạn khắc phục để yêu cầu Trang trại bò sữa Phú Yên thực hiện và cơ quan chức năng tại tỉnh Phú Yên giám sát việc khắc phục vi phạm.
Liên quan đến Quyết định xử phạt số 319/QĐ-XPHC của UBND tỉnh Phú Yên, phía Trang trại bò sữa Phú Yên cho biết, ngay sau kết luận thanh tra Trang trại bò sữa Phú Yên đã nghiêm túc tiếp thu và khắc phục theo ý kiến của Đoàn thanh tra công tác bảo vệ môi trường theo Quyết định số 49/QĐ-STNMT ngày 17/02/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên về những tồn tại của mình.
“Quên” yêu cầu giám sát việc khắc phục?
Theo đó, đến nay Trang trại bò sữa Phú Yên đã bố trí nhà chứa rác thải công nghiệp, nhà chứa rác thải nguy hại theo quy định. Đang triển khai ký hợp đồng thu gom xử lý rác thải nguy hại, thực hiện thu gom từ ngày 01/4/2023. Tiến hành quan trắc định kỳ khí thải, quan trắc nước.
Đối với vấn đề tuân thủ theo phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 66/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 và phê duyệt điều chỉnh nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1831/QĐ-UBND ngày 20/10/2020, Trang trại bò sữa Phú Yên cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng được thiết kế theo tiêu chuẩn xây dựng chuồng trại của nước ngoài, phân và nước thải được thu gom về cuối các dãy chuồng, xả xuống hệ thống thu gom tách phân theo đường ống kín, trong khuôn viên có bố trí trồng cây xanh.
Bên cạnh đó, cũng theo Trang trại bò sữa Phú Yên thì, trong kết luận Thanh tra, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ rõ những kết quả đạt được to lớn của dự án đồng thời nêu cụ thể những vấn đề Công ty cần phải tập trung khắc phục. Tất cả các giải pháp nêu trên đã được thực hiện ngay lập tức và được các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Phú Yên ghi nhận.
Với các phản hồi này từ Trang trại bò sữa Phú Yên, có thể thấy đơn vị này đã thừa nhận những sai phạm của mình và đang chấp hành việc khắc phục một số sai phạm. Tuy nhiên, một trong số những nội dung quan trọng là Trang trại bò sữa Phú Yên đã nghiêm túc tuân thủ và thực hiện đúng theo phê duyệt điều chỉnh nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1831/QĐ-UBND thì không được đơn vị này phản hồi cụ thể. Đồng thời, nội dung liên quan đến tình trạng gây ảnh hưởng môi trường đến các hộ dân xung quanh cũng không được đơn vị này đề cập đến.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tiến – Văn phòng Luật sư Đại Quốc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM), tại Quyết định xử phạt số 319/QĐ-XPHC của UBND tỉnh Phú Yên có một số hành vi vi phạm hành chính mà không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trái với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.
Cụ thể, đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và không có kho lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; đối với 2 hành vi này, Trang trại bò sữa Phú Yên đã vi phạm theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ. Tại khoản 13 của Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Phú Yên cũng không hề đề cập đến.
Hay như các vi phạm bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và không khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với các vi phạm này, cũng không thấy UBND yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 9 Điều 29 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Chưa kể, việc không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và không có sự giám sát thì sẽ rất dễ xảy ra hai hệ lụy cơ bản. Thứ nhất là không thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật (Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ) trái với Luật (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020). Điều này tạo ra tiền lệ ban hành vô tội vạ quy phạm pháp luật trong quá trình vận hành hệ thống quản lý hành chính nhà nước.
Thứ 2 là việc chỉ phạt tiền mà không có cơ chế để chế tài (buộc khắc phục hậu quả) đối với các hành vi vi phạm nói trên thì chắc chắn sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Khi không có cơ chế để chế tài thì chỉ có thể trông mong sự tự nguyện chủ chính người vi phạm trong việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Và, liệu rằng có sự hy vọng doanh nghiệp sẽ tự nguyên khắc phục hậu quả hay không? Thời gian thực hiện việc khắc phục hậu quả? Và như vậy, hệ lụy đối với xã hội và đặc biệt là công tác quản lý hành chính nhà nước sẽ rất nghiêm trọng. Bởi khi đó chính cơ chế đã tạo ra cho người vi phạm tâm lý “nhờn thuốc”, hay nhìn từ góc độ quản lý thì có thể nói là “lỗ hổng pháp luật”.
Theo STNN