Phân khúc bất động sản nào đang bị NHNN kiểm soát tín dụng?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ, đồng thời kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường.

NHNN mới đây đã nhận được kiến nghị tìm giải pháp mở rộng và tăng hạn mức tín dụng cho lĩnh vực bất động sản trong phạm vi cả nước từ cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo phản ánh của cử tri, bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đã lắng xuống. Theo đó, cử tri đề nghị NHNN có giải pháp mở rộng và tăng hạn mức tín dụng cho lĩnh vực bất động sản trong phạm vi cả nước.

Trả lời kiến nghị, NHNN cho biết thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, NHNN cho rằng nguồn vốn chỉ là một trong các vướng mắc và tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn cho thị trường bất động sản. Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần nhiều giải pháp chính sách đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương.

Về phía ngành ngân hàng, NHNN cho rằng trong thời gian qua NHNN luôn chủ trương cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Chính sách của NHNN là khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Trong nhiều năm qua, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản luôn chiếm khoảng 19 - 21% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng trưởng 24%, trong đó dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng gần 24,03%, đều ở mức cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Năm 2023, NHNN đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước, ở mức 14 - 15%; có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có bất động sản.

NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ.

Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng...

NHNN đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời báo cáo về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng. Nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Sau hội nghị hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản diễn ra giữa tháng 2 vừa qua, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã thống nhất sẽ dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Trong Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vừa được ban hành, Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

Theo Đầu tư tài chính