Ông Phạm Hồng Hải làm Tổng Giám đốc OCB

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố quyết định của HĐQT về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Phạm Hồng Hải chính thức giữ chức vụ Tổng Giám đốc của OCB từ ngày 16/7/2024.
tng-giam-doc-ocb-1721057773.jpgTân Tổng Giám đốc OCB – ông Phạm Hồng Hải
 

Ông Phạm Hồng Hải đã có gần 30 năm kinh nghiệm và có rất nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Bằng năng lực vượt trội của mình, ông đã trở thành người Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng thuộc tập đoàn nước ngoài và đưa tổ chức này đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng với sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô và lợi nhuận.

Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB bày tỏ sự tin tưởng với Tân Tổng Giám đốc của Ngân hàng. "Với năng lực cùng bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và quản trị ngân hàng, ông Phạm Hồng Hải sẽ tiếp tục phát huy khả năng lãnh đạo, tạo động lực mới, cùng với các thành viên trong Ban Điều hành có đóng góp to lớn vào hành trình phát triển sắp tới của ngân hàng" - ông Tuấn nói.

Sau thời gian đảm nhiệm vai trò Quyền Tổng Giám đốc trước khi bổ nhiệm chính thức theo quy định, ông Hải cho biết sẽ thực hiện 3 mục tiêu trong thời gian tới.

Đầu tiên là tiếp tục đưa OCB tăng trưởng và hoạt động hiệu quả trong Top đầu ngân hàng tư nhân tại Việt Nam bằng việc đẩy mạnh số hóa, tự động hóa và đơn giản các quy trình thủ tục nhằm đẩy nhanh tốc độ phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Tận dụng thế mạnh, nền tảng vững chắc của ngân hàng, tăng cường cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện đến hệ sinh thái của các khách hàng doanh nghiệp lớn bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng.

Tập trung chiến lược ngân hàng "xanh" vừa giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và cũng đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Tiếp đến là xây dựng thương hiệu OCB để khi nói đến một trong những ngân hàng Việt hoạt động bài bản chuẩn mực, minh bạch, hiệu quả hàng đầu, mọi người sẽ nghĩ ngay đến OCB.

Thực tế cho thấy, các chuẩn mực của thị trường sẽ ngày càng nâng cao, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và OCB nói riêng đều phải từng bước tiệm cận với những yêu cầu của quốc tế. Thị trường cũng đã bắt đầu có sự phân hóa giữa ngân hàng phát triển bền vững và những ngân hàng phát triển nhanh nhưng nhiều rủi ro. Từ đó, các nguyên tắc về việc tuân thủ chuẩn mực hoạt động chắc chắn sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt và lâu dài cho OCB.

Và cuối cùng, theo ông Phạm Hồng Hải, là phát triển năng lực đội ngũ nhân sự tại ngân hàng, làm nền tảng cho chiến lược bền vững mà OCB đã và đang hướng đến.

Tại ĐHĐCĐ năm 2024, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm ngoái. Ngân hàng tiếp tục tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tái cơ cấu lại danh mục theo hướng đa dạng nguồn thu.