Năm 2024, MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% so với 2023 và ước đạt 28,800 nghìn tỷ, phấn đấu đạt mốc 30 triệu khách hàng.
Nhìn lại năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất MB đạt hơn 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022. Tính riêng, ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2022. Xét riêng về ngân hàng mẹ, tổng mức tín dụng tính đến cuối năm 2023 đã đạt 615.400 tỷ đồng, tăng 28,8% so với đầu năm. Kết quả này cao hơn đáng kể so với mức trung bình của nền kinh tế (13,71%) và của toàn hệ thống ngân hàng.
Về chất lượng tài sản, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản hợp nhất của MB đạt 943.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với cuối năm 2022 và tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,4% trong khi toàn ngành ở mức 1,6%, chất lượng tài sản được kiểm soát.
Không chỉ đẩy mạnh kinh doanh, 2 năm qua, MB còn tích cực tham gia tái cơ cấu lại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại dương (OceanBank).
Theo đó, từ giữa năm 2022, MB và OceanBank đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác toàn diện giữa hai ngân hàng.
Những lĩnh vực quan trọng được MB và OceanBank ưu tiên triển khai hợp tác có thể kể đến là phát triển các hoạt động kinh doanh chính: Dư nợ tín dụng; Hợp tác bán chéo, bán thêm các SPDV về tín dụng, thẻ, huy động, kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, bancas; tăng cường hoạt động trên thị trường vốn…
Hai ngân hàng cũng cam kết hợp tác phát triển nguồn vốn, thanh khoản, chuyển giao, xây dựng các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời hợp tác về nhân sự và các hạng mục khác.
Sự kiện được đánh giá là bước tiến quan trọng trong quá trình triển khai hợp tác giữa 2 ngân hàng, là bước đệm chuẩn bị cho đề án tái cơ cấu OceanBank.
Hết năm 2023, OceanBank tự nhận định, ngân hàng đã có những dấu ấn quan trọng và khởi sắc trên nhiều mặt hoạt động, từ quản trị vận hành hệ thống đến hoạt động kinh doanh.
Ông Ngô Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV OceanBank cho rằng, hợp tác chiến lược toàn diện với MB đạt tầm cao mới trên tất cả các nội dung hợp tác; Nâng cấp hệ thống Core Banking. Đưa vào sử dụng hạ tầng máy chủ tại Trung tâm dữ liệu và ra mắt/nâng cấp ứng dụng ngân hàng số danh cho DN và KH cá nhân…
Tính hết năm 2023, tổng tài sản của OceanBank tăng trưởng 23%, đạt 113% kế hoạch. Dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 13%, vượt chỉ tiêu 104% kế hoạch. Thu hồi, xử lý nợ có vấn đề đạt 407 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch.
Cũng theo ông Tuấn, hai năm qua, kể từ khi ký hợp tác chiến lược với MB, OceanBank đã chứng kiến những bước tiến đáng kể trong việc triển khai các nội dung hợp tác toàn diện.
Với sự hỗ trợ quan trọng từ MB về hạ tầng công nghệ, kinh nghiệm quản lý, cơ hội kinh doanh và nguồn lực tài chính, OceanBank đã không chỉ cải thiện năng lực và dịch vụ, mà còn tạo lập được lợi ích đa chiều giữa hai bên; thiết lập tính minh bạch trong hoạt động; và củng cố niềm tin bằng những kết quả cụ thể.
Năm 2024, OceanBank xác định tiếp tục giữ vững ổn định hệ thống, hoạt động an toàn, đảm bảo thanh khoản trong mọi thời điểm. Tập trung khắc phục các tồn tại cũ và tiếp tục xử lý nợ. Mở rộng quy mô và chất lượng hoạt động, cải thiện hiệu quả kinh doanh thực chất, cải thiện tình hình tài chính.
Chủ tịch MB Lưu Trung Thái thì khẳng định, sẽ tiếp tục sát cánh, hỗ trợ OceanBank thông qua các nguồn lực kinh doanh và công nghệ như: hoạt động ủy thác và hỗ trợ thanh toán song phương; cho vay hợp vốn; hoạt động ngoại hối và tài trợ thương mại…
“MB đã hỗ trợ OceanBank tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ; tạo ra cơ hội kinh doanh và tăng thu nhập, hỗ trợ cải thiện tình hình tài chính của ngân hàng. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ, MB đang hỗ trợ 15 cấu phần quan trọng giúp OceanBank tăng cường năng lực vận hành và quản trị hệ thống an toàn, hiện đại”, ông Thái cho hay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, toàn hệ thống có 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, gồm: OceanBank, CB, GPBank, DongABank và SCB. Trong đó, SCB là ngân hàng có quy mô lớn hơn rất nhiều 4 ngân hàng còn lại và quá trình tái cơ cấu sẽ phức tạp hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng tham gia xử lý/nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.