Tại buổi toạ đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023” do FiinGroup tổ chức, bà Trần Kiều Oanh, trưởng phòng Khối phân tích định chế tài chính thuộc FiinGroup cho biết, chất lượng tín dụng đang đi xuống ở nhiều ngành, nợ xấu dần lộ diện kể từ khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực dừng được gia hạn kể từ hết tháng 6/2022. Cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 1,92%, tỷ lệ nợ xấu gộp khoảng 4,5%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đươc dư báo sẽ tăng lên đáng kể và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong năm nay do nhiều khoản cho vay với bất động sản (bao gồm cho vay các nhà phát triển bất đông sản, cho vay người mua nhà và trái phiếu bất đông sản) có thể trở thành nợ xấu nếu tín dụng vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.
Bàn luận về động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2023, bà Oanh cho rằng mặc dù chi phí vốn tăng cao khiến NIM có thể sẽ thu hẹp trong nửa đầu năm và chỉ có thể cải thiện trong nửa cuối năm khi áp lực thanh khoản dịu đi, thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và Bancassurance sẽ trở thành nguồn thu nhập ổn định nhờ nỗ lực số hóa của ngân hàng và dư địa bán chéo lớn từ tập khách hàng ngày càng mở rộng.
Trái với quan điểm của bà Trần Kiều Oanh, ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia chứng khoán lại cho rằng NIM của ngân hàng sẽ tăng trong năm 2023.
Theo đó, ông Tường cho biết ngành ngân hàng vẫn là nguồn cung cấp vốn chính cho nền kinh tế, đặc biệt khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó trong giai đoạn 2023-2024 sắp tới, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ vẫn tăng nhanh.
Với đặc thù của ngành ngân hàng, ông Đào Phúc Tường cho rằng trừ khi tăng trưởng tín dụng giảm đốc, nếu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ được tốc độ hoặc tăng trưởng nhanh, trong điều kiện môi trường kinh tế còn đang khó khăn thì NIM của ngân hàng chỉ có thể mở rộng chứ khó thu hẹp. Ông Tường nhận định NIM của ngân hàng sẽ tăng trong năm 2023.
Theo ông, ngân hàng cần phải tăng phần đệm cho rủi ro cho những khoản vay trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn. Chi phí tín dụng sẽ bù trừ cho việc mở rộng NIM, tức là ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn cho những rủi ro tín dụng sẽ xảy ra trong tương lai.
Đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao, trong 2 năm qua, bất động sản có giá trị rất cao. Nếu giá thị trường của các bất động sản này giảm 20-30%, ngân hàng sẽ phải trích lập thêm dự phòng cho các khoản nợ này. Do đó, trích lập dự phòng là biến số phụ thuộc vào giá trị tài sản đảm bảo.
Trong năm 2023, ông Đào Phúc Tường cho rằng nếu giá bất động sản tiếp tục giảm thì rủi ro trích lập dự phòng sẽ tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.
“Đây là điểm tối, là thách thức nhưng đồng thời lại là điểm sáng. Nếu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng, tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại trong việc trích lập dự phòng, sức ép sẽ được giải toả, ngân hàng sẽ có thời gian để tích luỹ lợi nhuận, tạo bộ đệm mới. Nhóm ngân hàng tư nhân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với dư nợ cho vay bất động sản khá cao”, ông Đào Phúc Tường cho biết.
Đầu tư Tài chính