Những nhóm ngành được kỳ vọng "đột phá" trong năm 2023

Rất nhiều doanh nghiệp đang đặt niềm tin vào sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Trong đó, một số ngành được kỳ vọng sẽ có sự đột phá lớn như Viễn thông - Công nghệ thông tin; Du lịch - Giải trí và Vận tải - Logistics.

Theo thống kê GDP thực tế quý III năm 2022 của Việt Nam tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo có khả năng đạt mức đỉnh tăng trưởng trong thời gian tới, một phần do sự nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và việc mở cửa lại biên giới. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các tác động này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tăng trưởng GDP sẽ nhanh chóng vượt qua đỉnh điểm.

Với chính sách tiền tệ thắt chặt trong nước và nhu cầu toàn cầu có xu hướng giảm dần, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chậm dần đều vào năm 2023. Trong khảo sát các chuyên gia của Vietnam Report tháng 11/2022 cũng cho thấy kỳ vọng GDP sẽ tăng 7,5% vào năm 2022, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của tháng trước và 6,4% vào năm 2023.

Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 tháng 11/2022 cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng kinh doanh của mình trong năm 2023 so với 2022, có đến 40,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết triển vọng khả quan hơn một chút và 26,0% cho biết khả quan hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn vào sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 với 35,1% số doanh nghiệp có niềm tin rõ rệt vào sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

du-bao-nganh-nghe-1668610316.png

Biểu đồ dự báo tăng trưởng của một số ngành nghề trong thời gian tới

 

Nhiều chuyên gia kinh tế trong các tổ chức quốc tế uy tín như Fitch, EIU cũng cho rằng việc tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2023, nhưng sự suy thoái tại các thị trường điểm đến chính sẽ hạn chế tốc độ mở rộng nền kinh tế, ngay cả khi Việt Nam tiếp tục gia tăng tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu.

Một số ngành kinh tế được dự báo có tiềm năng tăng trưởng đột phá trong năm 2023 bao gồm: Viễn thông - Công nghệ thông tin; Du lịch - Giải trí; và Vận tải - Logistics.

Ngược lại, các ngành phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu như Thủy sản và Dệt may, da giầy có triển vọng tăng trưởng kém hơn.

Ngành bất động sản - xây dựng vốn chịu nhiều khó khăn từ đại dịch và chính sách siết tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng.

Đứng trước bối cảnh này, các doanh nghiệp đang tỏ ra rất thận trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh ngắn và trung hạn. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, phần lớn doanh nghiệp tập trung vào các chiến lược truyền thống như: Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường phát triển văn hóa doanh nghiệp; Tăng cường hoạt động kinh doanh cốt lõi; và Cải thiện cơ cấu chi phí. Kinh nghiệm rút ra từ quá trình ứng phó với đại dịch cũng như các bất ổn kinh tế thế giới thời gian gần đây cũng khiến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào Cải thiện kế hoạch quản lý rủi ro, đảm bảo kinh doanh liên tục (94,5%); Chuyển đổi, linh hoạt với chuỗi cung ứng (89,2%).

Bên cạnh đó, chiến lược giảm thiểu carbon cũng được chú trọng với tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến áp dụng tăng từ 17,0% trong 12 tháng tới lên mức 23,4% trong 36 tháng tới. Cần lưu ý rằng, chi phí đầu tư cho phát triển bền vững trong năm 2021 đã gia tăng tại 56,9% số doanh nghiệp, và có xu hướng tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp như trên đang phần nào cho thấy nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với các vấn đề chung của toàn xã hội đã được cải thiện rất đáng kể. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các khung pháp lý liên quan đến phát triển bền vững tại Việt Nam vẫn chưa được nhất quán và rõ ràng. Vì vậy, trong thời gian tới rất cần sự bổ sung hỗ trợ của Chính phủ để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực thi và hành động.

Theo THPL