Kinh tế Việt Nam trong nhóm 10 nước phục hồi nhanh sau Covid-19

Kinh tế - xã hội Việt Nam khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, những chỉ dấu tích cực, những "thế, lực và đà" đã tạo được trong thời gian qua sẽ là động lực để kinh tế Việt Nam thích ứng và vượt qua khó khăn.

Kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

Tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật Bản vừa công bố chỉ số phục hồi sau Covid-19 tháng 10/2022. Theo đó, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia/vùng lãnh thổ có tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng được báo Nikkei, Nhật Bản đưa ra, Việt Nam có 75 điểm, xếp thứ 8/121 nước có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh nhất, vượt xa so với các nước khác trong khu vực như Malaysia ở vị trí thứ 38 hay Thái Lan ở vị trí thứ 70.

Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Việt Nam nằm trong top 10 của bảng xếp hạng và là sự tiến bộ vượt bậc so với thời điểm cách đây hơn 1 năm khi Nikkei chỉ xếp Việt Nam ở vị trí thứ 100.

Kinh tế Việt Nam trong nhóm 10 nước phục hồi nhanh sau Covid-19 - Ảnh 1

Tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật Bản vừa công bố chỉ số phục hồi sau Covid-19 tháng 10/2022. (Ảnh minh họa)

Với tốc độ khôi phục kinh tế nhanh chóng của Việt Nam được đánh giá là do sự hiệu quả trong chính sách của Chính phủ thực hiện tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Đến nay gần như toàn bộ người dân Việt Nam đã tiêm đủ các liều vaccine cần thiết, đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Cùng với đó, Việt Nam cũng là một trong những nước thực hiện chính sách mở cửa hoàn toàn sớm nhất để đón khách du lịch quốc tế trở lại cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo Báo Nikkei đánh giá, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng như chính sách mở cửa thông thoáng sẽ tiếp tục có tốc độ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng được các tổ chức kinh tế uy tín thế giới ghi nhận, như trong dự báo mới nhất Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 5,3 lên 7,2%.

Chuyên gia quốc tế đánh giá cao về triển vọng kinh tế Việt Nam

Thông tin mới đây cho biết, bà Era Dabla-Norris - Trưởng Đoàn giám sát của IMF về kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ đánh giá: "Kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ từ sau Covid-19. Chúng tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm nay sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất của khu vực, lạm phát đang thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trước đó là 4%. Thành quả của Việt Nam rất tích cực nhờ chính sách mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ".

GS. Andreas Hauskrecht - Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ nhận định: "So sánh với các nước khác, kinh tế Việt Nam đang vận hành rất tốt, cả dưới góc độ tăng trưởng kinh tế, cả dưới góc độ phục hồi, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách bình tĩnh. Tôi dự báo triển vọng tích cực trong năm 2023. Tôi cho rằng sang năm 2023, chúng ta có thể dần dần bắt đầu thảo luận về việc kích thích nền kinh tế, chuyển sang giai đoạn tăng trưởng cao hơn, có thể 7% hoặc cao hơn".

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: "FDI vào việt Nam tăng cả về chất lượng và số lượng. Vì thế với tốc độ tăng trưởng cao, sự phục hồi mạnh mẽ mà Việt Nam đang có, Việt Nam có không gian tài chính để thực hiện các khoản đầu tư nâng cao khả năng cạnh tranh. Chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam đầu tư vào lộ trình tăng trưởng carbon thấp, quá trình chuyển đổi kinh tế số".

Ông Andrew Parker - Tham tán thương mại cao cấp bang New South Wales (Australia) tại ASEAN cho hay: "Các nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm đến Việt Nam. Điều thú vị là các nguồn vốn đầu tư vào các ngành sản xuất phức tạp ngày càng tăng. Gần đây, các tập đoàn lớn như Samsung, Apple, LG và nhiều nhà sản xuất điện tử đã công bố đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng, các nhà đầu tư đánh giá rất tích cực về nền kinh tế và sự ổn định chính trị ở Việt Nam".

Ông Brian Lee Shun Rong - Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore cho hay: "Thế mạnh của Việt Nam là chi phí lao động thấp, vị trí địa lý chiến lược, môi trường kinh doanh thân thiện, sự ổn định chính trị và tự do hóa thương mại mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể trong hơn một thập kỷ qua, theo chỉ số về kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 20 bậc, lên thứ 70/190 quốc gia".

Theo KTMT