1. Bưởi
Bưởi là một trong những loại trái cây thường được trưng bày vào dịp Tết ở các gia đình miền Bắc. Quả bưởi tươi xanh, căng bóng và tròn đều luôn được các bà nội trợ trưng bày trên mâm quả, với ý nghĩa tròn đầy, viên mãn, gia đình thịnh vượng, sum vầy và mọi người mạnh khỏe, bình an.
2. Chuối
Với hình dáng bên ngoài tựa như một bàn tay đang ngửa ra thu hứng lấy phúc lộc và những điều may mắn, những nải chuối trên bàn thờ với mong cầu một năm mới nhiều sắc màu, làm ăn phát đạt. Hình ảnh những quả chuối liền kề cạnh nhau cũng tượng trưng cho hình ảnh cả gia đình quấn quýt, sum vầy bên nhau một cách đông đủ, đầm ấm.
3. Quất
Quất là một loại quả được bày trên mâm ngũ quả trong ngày Tết, có ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức khỏe. Cây quất được chọn để trang trí trong nhà vào ngày Tết là những cây lá xanh tốt, quả vàng đều, sai quả thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra và dồi dào sức sống. Vì vậy khi Tết đến mọi người thường chọn cây cây quất để trong nhà với hi vọng mang lại niềm vui và may mắn cả năm cho gia đình.
4. Thanh long
Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ và biểu trưng cho sự cát tường, thịnh vượng. Không chỉ đẹp ở vẻ ngoài mà còn ở tên gọi, bởi theo quan niệm người dân nếu như đầu năm được rồng ghé thăm nhà thì cả năm được may mắn, phát tài phát lộc. Do đó, thanh long thường được nhiều gia đình chọn lựa để bày lên bàn thờ vì không chỉ màu sắc đẹp, nó còn thể hiện sự no đủ, sung túc của năm mới.
5. Đu đủ
Giống như tên gọi của nó chưng đu đủ trong ngày Tết, người Việt Nam mang theo mong muốn được sự đầy đủ, thịnh vượng trong cuộc sống không những trong kinh tế mà còn cả tình cảm. Quả đu đủ mang ý nghĩa hi vọng năm mới sẽ đủ đầy, không thiếu thốn trong mọi việc.
6. Lựu
Quả lựu với màu đỏ hồng vô cùng thu hút, khi trưng bày sẽ càng khiến mâm trái cây của bạn thêm nhiều màu sắc. Đó là màu sắc biểu trưng cho sự sinh sôi, phát triển, mang đến vận may về con cái. Trong phong thủy bàn thờ tổ tiên, quả lựu cũng được cho rằng những đứa trẻ trong gia đình khi sinh ra đều bụ bẫm và khỏe mạnh, bởi trong quả lựu chứa nhiều hạt, mọng nước lại rất ngon ngọt.
7. Xoài
Xoài là loại trái cây bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên mâm ngũ quả của mỗi gia đình Việt vào dịp Tết. Cứ vào những ngày lễ, các bà nội trợ lại chọn mua những quả xoài vàng ươm, thơm ngát bày trí trên bàn thờ, với ý nghĩa mong cầu mong cho việc tiêu xài luôn dư dả, không lo cái ăn, cái mặc, gia đình luôn sung túc, đủ đầy và nhiều tài lộc.
8. Nho
Quả nho trong phong thủy là sự biểu trưng của sự phong phú, dồi dào về của cải. Không dừng lại ở đó, chưng quả nho trên mâm trái cây của gia đình cũng giúp mọi việc suôn sẻ, thuận lợi và viên tròn.
9. Quả sung
Trong mâm ngũ quả ngày Tết bao giờ cũng có thêm một chùm quả sung. Theo quan niệm dân gian, sung là loại cây cảnh mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, tượng trưng cho sự sung mãn, tròn đầy. Vì vậy nhà dù nghèo hay giàu Tết đến cũng có cành đào (hoặc mai) và một đĩa trái cây gồm xoài, dừa, đu đủ, mãng cầu và sung.
10. Phật thủ
Trong tín ngưỡng của người Việt, Phật giáo có một vị trí quan trọng trong niềm tin của mọi người. Quả Phật thủ từ lâu đã trở thành loại quả quen thuộc dùng để thờ hoặc lễ trong những ngày trọng đại, mùng một, rằm hay trên mâm ngũ quả ngày Tết vì hình dáng của quả Phật thủ rất giống bàn tay Phật.
Gia chủ bày loại quả này với ý nghĩa mong bàn tay phật che chở cho cả gia đình. Quả Phật thủ đẹp là quả màu vàng óng, những ngón tay mọng, bung xòe rộng, xếp thành nhiều tầng.
11. Dưa hấu
Dưa hấu còn là loại trái cây thể hiện sự may mắn, tài lộc của mỗi gia đình trong ngày Tết cổ truyền. Người xưa vẫn quan niệm rằng màu sắc của dưa hấu trong ngày Tết tượng trưng ít nhiều cho sự hưng thịnh của gia chủ trong năm mới, là quẻ bói đầu năm của mọi nhà. Dưa hấu đầu năm mà đặc ruột màu đỏ tươi, mọng nước và ngọt lịm thì báo hiệu đó là một năm tuyệt vời.
12. Táo
Táo thường được chưng cúng trên bàn thờ không chỉ bởi màu sắc đẹp mà còn có ý nghĩa riêng của nó. Những quả táo có màu đỏ thường được chưng nhiều hơn là hai màu xanh và vàng, bởi nó mang ý nghĩa tốt lành. Loại trái cây này còn biểu trưng cho sức khỏe và sự hòa hợp, đầm ấm trong gia đình.
Ngoài những loại quả mang ý nghĩa thu hút tài lộc, may mắn trên mâm ngũ quả, các chuyên gia phong thủy cũng đưa ra một số lưu ý khi bày mâm ngũ quả ngày Tết:
Không nên rửa quả: Việc rửa sẽ làm cho quả sớm bị héo hoặc thối hỏng nếu có chỗ đọng nước. Chỉ nên dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được. Đối với bưởi và phật thủ bạn có thể dùng nước sạch pha với chút rượu lau để quả có mùi thơm.
Không nên chọn quả chín: Nên lựa những quả già nhưng chưa chín quá, chuối nhất định phải là chuối xanh để đủ cứng, đỡ những quả khác và còn đảm bảo ý nghĩa màu sắc theo Ngũ Hành.
Các loại quả sử dụng trên mâm ngũ quả cần phải sạch, tươi tắn và có mùi thơm. Điều đáng lưu tâm là mâm ngũ quả ngày Tết sẽ để lâu hơn bình thường. Do đó, không chọn loại chín quá vì sẽ nhanh hỏng, nhưng cũng không được chọn quả quá xanh. Hoa quả nên có độ xanh chín phù hợp, đừng chạy theo hình thức mà không chú trọng đến chất lượng. Thêm nữa, hoa quả mua về cũng cần bày cẩn thận, trang trọng, không nên để vào tủ lạnh hay vứt lăn lóc góc bếp rồi đến tối 30 mới mang ra đặt lên bàn thờ.
Không nên đặt hoa quả giả lên thờ cúng: Mặc dù hoa quả giả để được lâu, không lo thối hỏng, tuy nhiên lại không tốt về mặt tâm linh. Theo các chuyên gia phong thủy, việc bày hoa quả giả trên bàn thờ ngày Tết bị coi là không tôn trọng thần linh, gia tiên, dễ bị "quở trách" khiến tiền tài thì ra, xui rủi thì đến.
Theo THPL