Thu cả tiền ghế ngồi ở Hải Dương
Mới đây, mạng xã hội xôn xao với thông tin Trường THPT Thanh Miện III dự kiến nhiều khoản thu đầu năm học với số tiền lên tới gần 9 triệu đồng mỗi học sinh.
Đáng chú ý, trong bản kê bên mà nhà trường đưa ra ngoài những khoản thu như: Học phí 420.000 đồng/kỳ; gửi xe 360.000 đồng/ năm; vở ghi 225.000 đồng; nước uống 100.000 đồng/năm; vệ sinh 100.000 đồng/ năm… trường này còn dự kiến thu cả quỹ phụ huynh 200.000 đồng/học sinh; tiền ghế ngồi 25.000 đồng; xã hội hóa 300.000 đồng/học sinh; học thêm hè 920.000 đồng/ học sinh; học thêm 2.176.000 đồng… Tổng tất cả các khoản thu lên tới 8.715.000 đồng/học sinh.
Hình ảnh bảng kê biên này sau đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, phần lớn người dân, phụ huynh bức xúc khi khoản thu quá lớn, thậm chí cao gần gấp đôi thu nhập của nhiều phụ huynh ở nông thôn.
Trước thông tin trên, chiều ngày 12/9, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã làm việc với nhà trường để xác minh, làm rõ thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.
Thu phí điểm danh, ủng hộ nhà trường tổ chức lễ khai giảng ở TP.HCM
Trước đó, trong 1 bài viết đăng tải vào tháng 9 năm 2022, Báo Tuổi trẻ có chia sẻ phản ánh của một phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP.HCM). Theo phản ánh của vị phụ huynh này thì từ trước đến nay, điểm danh là việc làm của ban cán sự lớp và giáo viên chủ nhiệm. Năm nay phụ huynh nhận được thông báo phải đóng 12.000 đồng/tháng/học sinh khoản tiền điểm danh bằng máy. Điều đáng nói là tháng 9 chưa triển khai điểm danh bằng máy nhưng nhà trường vẫn thu khoản này cho cả tháng 9.
Chưa hết, mặc dù trường đã có phòng vi tính nhưng mỗi học sinh vẫn phải đóng 50.000 đồng/tháng tiền máy tính. Tính ra cả năm học mỗi học sinh đóng 450.000 đồng cho khoản này. Trường Nguyễn Công Trứ có khoảng hơn 2.000 học sinh, vậy mỗi năm trường chỉ thu khoản tiền máy tính thôi cũng gần 1 tỉ đồng.
Tương tự, phụ huynh khác đang có con theo học tại một trường THCS nổi tiếng ở quận Gò Vấp kể trên Báo Tuổi trẻ rằng: "Mới đầu năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã kêu gọi phụ huynh đóng góp 300.000 đồng/người để ủng hộ nhà trường tổ chức lễ khai giảng. Tôi không đồng tình với khoản này vì con tôi đâu cần một buổi lễ rình rang, tốn kém, phô trương. Vậy nhưng cuối cùng vẫn phải đóng vì ban đại diện cha mẹ học sinh cập nhật từng ngày danh sách những học sinh đã đóng và chưa đóng quỹ trên group lớp".
Nhà trường yêu cầu đóng 2 triệu đồng khi làm thủ tục nhập học vào lớp 6 ở Hải Phòng
Vụ việc trên xảy ra vào tháng 8/2022 tại Trường THCS thị trấn Núi Đối huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Theo phản ánh của một số phụ huynh, khi làm thủ tục tuyển sinh cho con vào lớp 6 Trường THCS thị trấn Núi Đối, các phụ huynh được đại diện nhà trường yêu cầu đóng ít nhất 2 triệu đồng/học sinh.
Khi phụ huynh thắc mắc về khoản tiền phải đóng cho những khoản thu gì thì đều không nhận được giải thích thỏa đáng từ phía nhà trường…
Sau khi phát hiện vụ việc UBND huyện Kiến Thụy đã họp với chính quyền địa phương và Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Núi Đối. Giải trình về số tiền thu trên, hiệu trưởng trường này lý giải, không phải thu học sinh trái tuyến hay xã hội hóa, mà một số phụ huynh "nhờ" nhà trường mua sách vở, đồng phục, bảo hiểm…
Sau đó, UBND huyện Kiến Thụy yêu cầu Trường THCS thị trấn Núi Đối hoàn trả số tiền đã thu cho phụ huynh học sinh, hoàn thành trong ngày 15/8. Được biết, nhà trường đã thu của 166 phụ huynh với số tiền trên 300 triệu đồng.
Nhà trường được phép thu những khoản nào đầu năm?
Học phí: Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của địa phương.
Bảo hiểm y tế: Theo Khoản 4, Điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Điều 4, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, quy định mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế (mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng).
Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu: Theo điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.
Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú… thực hiện tùy quyết định của từng tỉnh, thành.
Học 2 buổi/ngày: Tùy từng tỉnh, thành.
Học phẩm cho học sinh mầm non: Tùy từng tỉnh, thành.
Nước uống học sinh: Tùy từng nơi. Ví dụ hiện tại các trường tại Hà Nội đang được thu tối đa 12.000 đồng/tháng.
Những khoản ban đại diện cha mẹ không được phép thu
Căn cứ vào khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, bao gồm:
Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường.
Bảo vệ an ninh nhà trường.
Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh.
Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường.
Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu 2 khoản
Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu 02 khoản sau:
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường trích từ kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo đề nghị tại cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học.