Xuất khẩu - một trong ba chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023 - với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền sản xuất trong nước - khi công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm từ 85 đến hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng đã suy giảm sâu từ cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Bên cạnh những khó khăn, bức tranh xuất nhập khẩu năm 2023 vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng.
Xuất siêu đạt con số kỷ lục
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sau 11 tháng đạt 619,2 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu 322,5 tỷ USD, nhập khẩu 296,7 tỷ USD. Điểm sáng nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu là cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư sau 11 tháng đạt 25,83 tỷ USD - mức tăng ấn tượng, lên tới 250% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả này góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Trong 11 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%. Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu, đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 11 tháng năm 2023 (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước).
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm (như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản) nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng. Bên cạnh đó, mức giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực dần được thu hẹp so với nửa đầu năm (mức giảm xuất khẩu sang Mỹ thu hẹp từ 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống 13,1%; sang EU thu hẹp từ 10,1% xuống 8,1%; sang Hàn Quốc thu hẹp từ 10,2% xuống 4%...).
Thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
“Cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế”, Bộ Công Thương cho hay.
Xuất khẩu rau quả ghi nhận kỷ lục mới
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định: "Trong bức tranh đó, chúng ta thấy có xuất khẩu rau quả và xuất khẩu gạo là những điểm sáng. Đây cũng là kết quả rất tích cực thể hiện sự phục hồi cũng như mở rộng thị trường rất mạnh mẽ... Trong khó khăn chung hiện nay, có một điểm tích cực, đó là việc lực lượng sản xuất của chúng ta vẫn được duy trì rất tốt và vẫn tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư. Thứ hai, chúng ta cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính".
Từ thực tế kết quả xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam sau 11 tháng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận: "Nhà nước, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương đã đàm phán để mở cửa thị trường, ký nhiều hiệp định, ký các nghị định thư với Trung Quốc cũng như các nước để nhằm tạo điều kiện đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, rau quả của Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi khắp thế giới. Ngoài ra, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được hướng dẫn cách trồng trọt đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của các nước nhập khẩu".
Sang năm 2024, cùng với việc khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, việc kết thúc đàm phán, triển khai các Hiệp định FTA với các thị trường mới như Israel, UAE sẽ tiếp thêm cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam… Quan hệ chính trị tốt đẹp, được củng cố, nâng cấp với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU là tạo tiền đề để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được mở rộng. Với những diễn biến như vậy, Bộ Công Thương phấn đấu năm 2024 đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu (dự kiến xuất siêu khoảng 15 tỷ USD).
Để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.