Nhiều sếp lớn ngân hàng từ nhiệm, những nhà băng này hiện kinh doanh ra sao?

Trong nửa đầu năm 2024, ngành ngân hàng chứng kiến hàng loạt "sếp lớn" xin từ nhiệm. Những nhà băng có lãnh đạo xin nghỉ hoạt động kinh doanh ra sao?

Hàng loạt lãnh đạo ngành ngân hàng xin từ nhiệm

Mới đây nhất, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết đã nhận đơn xin thôi nhiệm của Phó tổng giám đốc phụ trách Khối bán lẻ Nguyễn Văn Hương theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, ông Hương được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám OCB từ ngày 28/12/2022.

ngan-hang-tu-nhiem-1724082596.pngÔng Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ OCB xin thôi nhiệm. 
 

Cũng tại nhà băng này, ông Nguyễn Đình Tùng có đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT OCB. Ông Tùng gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và đảm nhận vị trí Tổng giám đốc từ tháng 8/2012. Đến tháng 4/2023, ông Tùng tiếp tục được bầu làm Thành viên HĐQT OCB. Vào tháng 4 vừa qua, ông Tùng cũng đã có đơn từ chức Tổng giám đốc OCB.

Không chỉ OCB, biến động nhân sự cấp cao cũng đang diễn ra tại Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) với sự rời đi của 3 lãnh đạo cấp cao. Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của nhà băng này đã thông qua việc từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc đối với bà Đinh Thị Huyền Thanh với lý do cá nhân.

Ngoài bà Thanh, ông Nguyễn Thành Tô, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối cân đối và kinh doanh nguồn vốn PGBank cũng đã xin thôi việc từ ngày 21/5 với lý do cá nhân. Tương tự, ông Nguyễn Thành Lâm, Thành viên HĐQT độc lập PGBank, cũng xin từ nhiệm với lý do tương tự.

Thêm một nhà băng nữa đã miễn nhiệm tới 4 Phó tổng giám đốc từ đầu năm đến nay chính là  Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Ngân hàng này đã miễn nhiệm 4 Phó TGĐ đối với các ông Nguyễn Mạnh Quân, Đỗ Lam Điền, Nguyễn Khánh Phúc và Nguyễn Hồng Quang. Theo ABBank, ông Quân đã miễn nhiệm từ ngày 20/3. Trường hợp ông Phúc được miễn nhiệm vì đã có đơn xin nghỉ. Trong khi đó, ông Quang được miễn nhiệm để chuyển vị trí công tác.

Tại Eximbank, nhà băng này theo đó đã miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương theo đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và đã được HĐQT thông qua từ ngày 26/4. Sau khi rời ghế Chủ tịch, bà Đỗ Hà Phương tiếp tục ở lại HĐQT Eximbank với vị trí Phó chủ tịch HĐQT.

Eximbank cũng đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ ngày 26/4 thay thế bà Phương. Trước đó, ông Nguyễn Cảnh Anh giữ chức Thành viên HĐQT Eximbank.Đối với ngân hàng Kienlongbank, vị trí Chủ tịch HĐQT KienlongBank cũng đã được thay thế khi bà Trần Thị Thu Hằng từ nhiệm vào ngày 9/7 theo nguyện vọng cá nhân. Thay thế cho bà Hằng, HĐQT KienlongBank đã bầu ông Trần Ngọc Minh, trước đó đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng. Sau khi từ chức, bà Hằng vẫn sẽ tiếp tục công việc tại KienlongBank với tư cách Thành viên HĐQT.

ngan-hang-tu-nhiem-1-1724082595.jpgBà Trần Thị Thu Hằng từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank vào ngày 9/7.
 

Tại SeABank, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đã rời ghế Phó tổng giám đốc nhà băng này từ ngày 23/2. Thay vào đó, ông Quỳnh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản SeABank (công ty con do SeABank nắm 100% vốn).

SeABank cũng miễn nhiệm Phó tổng giám đốc Võ Long Nhi (hay ông Andrew Võ) từ ngày 24/2 để bổ nhiệm giữ chức Giám đốc đối ngoại và phát triển dự án của SeABank. Còn ông Hoàng Mạnh Phú và bà Trần Thị Thanh Thủy, 2 phó tổng giám đốc khác của SeABank đã bị miễn nhiệm thời gian qua để đề cử lần lượt làm Thành viên Ban Kiểm soát và Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 của ngân hàng, có hiệu lực từ 17/4.

Những nhà băng trên kinh doanh ra sao?

Ngân hàng Phương Đông: Theo báo cáo tài chính quý II/2024, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 1.987 tỷ đồng, tăng 9,3% so với thực hiện của quý II/2023 (YoY).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 3.887 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.113 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,9% và giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2024, OCB lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng. Như vậy, OCB mới chỉ hoàn thành 31% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của OCB đạt 238.884 tỷ đồng, với 150.107 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng 3,7% so với thời điểm đầu năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2024, OCB ghi nhận tổng nợ xấu là hơn 4.767,2 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2024). Trong hơn 4.767,2 tỷ đồng nợ xấu thì nợ có khả năng mất vốn (nhóm nợ 5) là 2.314 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nhóm nợ 4) hơn 1.456,9 tỷ đồng và cuối cùng nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm nợ 3) là 996,3 tỷ đồng. Nếu tính nợ xấu từ các nhóm nợ 3, 4 và 5 trên tổng dư nợ cho vay thì đến 30/6/2024 tỷ lệ nợ xấu Ngân hàng OCB là 3,12%.

ngan-hang-tu-nhiem-2-1724082596.jpg
 

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank): Quý II/2024, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 121 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 267,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 213,9 tỷ đồng, đều giảm 7%.

Tính đến cuối quý II/2024, số dư nợ xấu có xu hướng giảm so với đầu năm. Tính đến 30/6/2024, số dư nợ xấu của PGBank đạt 958 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Kết quả này cũng đã cải thiện so với thời điểm 31/3/2024. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn ghi nhận gần 166 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm; nợ nghi ngờ tăng nhẹ 6% lên mức hơn 312 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn hơn 479 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Nhờ cho vay tăng trưởng và số dư nợ xấu giảm, tỷ lệ nợ xấu đã tụt xuống còn 2,61%, so với 2,85% vào đầu năm hay 2,91% vào cuối quý I. 

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank): Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 390 tỷ đồng, cao gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). Kết quả đạt được như trên một phần nhờ ABBank tăng mạnh nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối lên tới 86% YoY, đạt 440 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ABBank lãi trước thuế hơn 582 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 1.000 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, ngân hàng này thực hiện được 58% sau nửa đầu năm 2024. 

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ABBank thu hẹp 6% so với đầu năm, còn 152.145 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 7% còn 89.612 tỷ đồng. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm xuống 2.163 tỷ đồng, giảm 31% so với hồi đầu năm. ABBank đã trích lập 640 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng thêm hơn 10,36% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản của ABBank được đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu cuối quý II được duy trì dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank): Lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank thu được hơn 1.474 tỷ đồng lãi trước thuế, dù tăng 5% so với cùng kỳ nhưng mới chỉ thực hiện được gần 28,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm (5.180 tỷ đồng).

Tại cuối quý II/2024, tổng tài sản của Eximbank ở mức 212.000 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó, tổng cho vay khách hàng ở mức trên 151.300 tỷ đồng, tăng 7,7%. Trong đó, chiếm 71% là nợ ngắn hạn, khoảng 26% là nợ dài hạn và số còn lại là nợ trung hạn. Số dư nợ xấu (nợ nhóm 3, 4 và 5) tiến thêm 7,4% so với đầu năm, ở mức 4.002 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 2.632 tỷ đồng.

Nợ xấu gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn. Nếu so với thời điểm cuối quý I/2024, nợ xấu của Eximbank đã giảm khoảng 200 tỷ đồng, nhờ cho vay khách hàng tăng trưởng, tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý II đã cải thiện so với cả cuối năm 2023 cũng như cuối quý I. Số dư dự phòng được cải thiện nhẹ, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Eximbank đạt gần 40%. 

ngan-hang-tu-nhiem-3-1724082596.jpg
 

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank): Nhà băng này vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2024 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 338 tỷ đồng. Tính đến hết quý II/2024, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt 91.668 tỷ đồng, tăng 4.088 tỷ đồng; tổng huy động vốn đạt 82.380 tỷ đồng, tăng 3.558 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 56.184 tỷ đồng, tăng 3.444 tỷ đồng, so với quý liền kề.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận của KienlongBank đạt 552 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch năm được ĐHĐCĐ thông qua. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tính đến 31/03/2024 từ mức 1,93% của đầu năm lên 2,46% trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành có xu hướng tăng.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.238 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến hết 30/06/2024, tổng tài sản của SeABank là 280.658 tỷ đồng, vốn điều lệ 24.957 tỷ đồng. ABBank đã trích lập 640 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng thêm hơn 10,36% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản của ABBank được đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu cuối quý II được duy trì dưới 3%.