Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI

Nhiều ngân hàng triển khai mạnh mẽ giải ngân vốn tín dụng ngay từ đầu năm 2025

Ngay từ tháng 1 năm 2025, các ngân hàng đã tung các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng cũng như kích cầu tín dụng trong giai đoạn cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán. Với mức tăng trưởng GDP phấn đấu trên 8%, các ngân hàng được nhận định sẽ có nhiều dư địa đẩy tín dụng trong năm nay.
Với mức tăng trưởng GDP phấn đấu trên 8%, các ngân hàng được nhận định sẽ có nhiều dư địa đẩy tín dụng trong năm nay

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, nhu cầu tín dụng năm nay được kỳ vọng tăng đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn.

Ngay từ đầu năm, một số ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng cũng như kích cầu tín dụng trong giai đoạn cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán. Với mức tăng trưởng GDP phấn đấu trên 8%, các ngân hàng được nhận định sẽ có nhiều dư địa đẩy tín dụng trong năm nay. Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu và vay phục vụ đời sống, tiêu dùng được dự báo sẽ là ba lĩnh vực động lực tăng trưởng tín dụng cao nhất năm nay.

Lãi vay ưu đãi chỉ từ 3,5%/năm

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố gói tín dụng ưu đãi lên đến 110.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân. Đây được xem là bước đi chiến lược của ngân hàng này trong việc kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Theo Agribank, trong gói tín dụng này, ngân hàng dành riêng 30.000 tỷ đồng cho các khoản vay phục vụ đời sống, với lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 4,5%/năm, thấp hơn tối đa 1% so với lãi suất thông thường và 6%/năm đối với khoản vay trung dài hạn được áp dụng trong giai đoạn đầu.

Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tạo động lực tiêu dùng hàng hóa nội địa, Agribank cũng phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong gói tín dụng này nhằm hỗ trợ khách hàng đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, Agribank thiết kế gói 50.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động nhanh chóng cho các cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ lẻ với lãi suất; gói 20.000 tỷ đồng cho các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất từ 6%/năm, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân thực hiện các kế hoạch đầu tư lớn hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh lâu dài.

Đáng chú ý, các dự án xanh, thân thiện môi trường sẽ được vay với sàn lãi suất chỉ từ 3,5%/năm. Nội dung này nằm trong gói tín dụng xanh của Agribank có giá trị 10.000 tỷ đồng, dành cho khách hàng cá nhân mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, vốn thường đòi hỏi chi phí khởi đầu cao.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa thông báo triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,6%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn. Đáng chú ý, quy mô gói tín dụng này lên tới 250.000 tỷ đồng, được ngân hàng áp dụng từ ngày 01/01/2025.

Không chỉ riêng 2 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang lên kế hoạch giải ngân vốn ngay từ đầu năm với các gói tín dụng ưu đãi dành cho từng nhóm khách hàng ưu tiên. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, tăng thêm khoảng 1% so với kết quả năm 2024.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá kết quả năm qua và mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội đặt ra và Chính phủ đang phấn đấu đạt trên 8%. Dù vậy, điều này sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trước đó, cuối tháng 12/2024, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các ngân hàng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025. Điều này giúp các ngân hàng thương mại có sự chủ động rất lớn trong việc triển khai hoạt động kinh doanh trong năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Qua đó giúp cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.