Cụ thể, vào ngày 15/12, Dự án Khu công nghiệp (KCN) Quảng Trị sẽ được nhà đầu tư làm lễ khởi công với quy mô khoảng 500ha, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án KCN Quảng Trị được 3 nhà đầu tư liên doanh hợp tác thực hiện gồm: Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore; Công ty Cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản.
Dự án được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Lâm và xã Hải Trường, thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô hơn 97 ha, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021-2025. Hiện tại, giai đoạn 1 của Dự án do liên doanh VSIP - Amata - Sumitomo làm chủ đầu tư. Trong đó, tổng diện tích đất được thu hồi, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng; người dân đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ. Chủ đầu tư đã lập hồ sơ thuê đất đợt 1 trên diện tích gần 38ha. Đây là dự án hứa hẹn tạo ra một trung tâm kinh tế dọc theo hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar nhìn từ Quảng Trị.
Cũng trong tháng 12/2023, Dự án cảng hàng không Quảng Trị (đóng tại xã Gio Hải, xã Gio Quang và xã Gio Mai thuộc huyện Gio Linh) cũng sẽ được nhà đầu tư sẽ làm lễ khởi động. Dự án có diện tích đất sử dụng 265,372ha (chưa bao gồm diện tích đất khu quân sự là 51,2ha). Trong đó, diện tích đất dùng chung là 177,642ha. Diện tích đất khu hàng không dân dụng là 87,73ha. Đối với khu đất quân sự (51,2ha), sẽ đầu tư khi quân đội có nhu cầu.
Tổng mức đầu tư dự án là 5.821,073 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu 1.091,960 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 18,76%), vốn vay tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác là 4.729,113 tỷ đồng (tương đương 81,24%). Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng. Thời gian thực hiện hợp đồng (vận hành, thu phí, hoàn vốn) là 47 năm 2 tháng.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2021, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 8/2023. Công trình đạt tiêu chuẩn là cảng hàng không cấp 4C theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có khả năng đỗ tàu bay code E và sân bay quân sự cấp II đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu lượt hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải. Đồng thời, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, Cảng hàng không Quảng Trị hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Do đó địa phương rất quyết tâm hoàn thành tất cả thủ tục để sớm triển khai dự án.
Sắp tới, Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đã được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành liên quan, nỗ lực thúc đẩy tiến độ hoàn thành hồ sơ thủ tục pháp lý, sớm triển khai thực hiện.
Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại vị trí cầu vượt đường tỉnh 579 thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Khoảng Km12+050 lý trình đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; điểm cuối tại Cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Chiều dài nghiên cứu khoảng 56km qua địa phận huyện Triệu Phong, huyện Cam Lộ, huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Tổng công ty TVTK Giao thông vận tải - (TEDI). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 – 2027, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 13.726 tỷ đồng… Đây là tuyến đường quan trọng khi hoàn thành sẽ là sự kết nối thuận lợi giữa biển Đông, Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và khu vực.