Nguồn năng lượng tái tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng

Việc phát triển công nghệ thân thiện môi trường, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, việc phát triển công nghệ thân thiện môi trường, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng. Việc ứng dụng công nghệ năng lượng tiên tiến góp phần giải quyết bài toán nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của Việt Nam; giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Thứ trưởng, các giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch bền vững đang góp phần giảm thiểu năng lượng nhập khẩu và giảm phụ thuộc nguồn năng lượng hóa thạch. Trong đó, năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng... là những giải pháp cần ưu tiên phát triển.

 Ảnh minh hoạ

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, việc nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 47% vào năm 2030 cũng được đưa ra trong chiến lược Quy hoạch điện VIII. Mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Tuy nhiên, ông nhắc tới tính bất định của năng lượng tái tạo, cho rằng cần có các cơ chế khuyến khích dự án đầu tư, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, định hướng phát triển ngành công nghệ năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp có chứng nhận công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất pin, tấm pin năng lượng mặt trời... được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, tập trung làm chủ công nghệ mới về năng lượng như hydro, lưu trữ carbon, pin...

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt gần 20.700 MW đến cuối năm 2021, chiếm gần 30% tổng công suất đặt nguồn điện. Trong 4 tháng đầu năm, loại năng lượng này được huy động gần 13,2 tỷ kWh, chiếm 15,4% lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 70% số này là nguồn từ điện mặt trời và 30% từ điện gió. Tuy nhiên nguồn năng lượng tái tạo phân bổ không đều, tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam.

VietQ