Theo tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc, đơn kiện đã được gửi lên WTO vào ngày 12/12 về việc Mỹ áp dụng các đòn trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.
Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ các lệnh hạn chế của Mỹ "đe dọa ổn định chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu" và “lý do an ninh từ phía Mỹ đưa ra là không công bằng và mơ hồ”
Đơn kiện của Trung Quốc đã kích hoạt quá trình giải quyết tranh chấp của WTO. Theo quy định, Trung Quốc đầu tiên sẽ "đề nghị tham vấn", yêu cầu Mỹ cung cấp thông tin để giải quyết vấn đề một cách thân thiện và Mỹ có 60 ngày để tham gia tham vấn giữa các bên. Nếu hoà giải không thành công, phía Trung Quốc có thể yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm WTO và tiếp tục các bước tiếp theo.
Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, ông Adam Hodge, người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết họ đã nhận được đề nghị tham vấn từ phía Trung Quốc.
“Chúng tôi cũng đã thông báo với Trung Quốc, rằng những động thái đó liên quan đến an ninh quốc gia, và WTO không phải nơi phù hợp để thảo luận các vấn đề như thế này", ông Hodge cho hay.
Có thể mất vài năm để vụ việc được giải quyết thông qua quy trình giải quyết tranh chấp của WTO. Và ngay cả khi Trung Quốc thắng kiện, Mỹ vẫn có khả năng phủ quyết bằng cách kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm WTO.
Khiếu nại của Trung Quốc về hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi WTO ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc trong một vụ kiện về việc Washington áp thuế nhập khẩu kim loại. Mỹ, quốc gia thường xuyên chỉ trích các thủ tục tố tụng tại cơ quan thương mại toàn cầu, đã bác bỏ phán quyết của WTO.
Trung Quốc "vỡ mộng" bá chủ ngành chip
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 10 đã công bố một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc.
Trong số các biện pháp được công bố, có một số biện pháp có hiệu lực ngay lập tức, có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ đối với công nghệ vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc kể từ những năm 1990.
Theo quy định mới, các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc thiết bị có thể sản xuất chip tương đối tiên tiến, bao gồm loại chip logic dưới 16 nanomet (nm), chip DRAM dưới 18 nm và chip NAND có 28 lớp trở lên, trừ khi có giấy phép.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Ltd, cũng như các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu được nhà nước hậu thuẫn Yangtze Memory Technologies Co Ltd (YMTC) và Công nghệ bộ nhớ Changxin (CXMT).
Trước khi Washington công bố những hạn chế mới, YMTC và CXMT được coi là những tia hi vọng hàng đầu của Bắc Kinh trong việc thâm nhập thị trường chip nhớ toàn cầu, đối đầu với những gã khổng lồ chip nhớ như Samsung Electronics và Micron Technology.
Các quy tắc cũng bao gồm việc ngăn chặn các lô hàng nhiều loại chip để sử dụng trong các hệ thống siêu máy tính của Trung Quốc, vốn có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân và các công nghệ quân sự khác.
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng lệnh cấm này cũng có thể ảnh hưởng đến các trung tâm dữ liệu thương mại của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Các chuyên gia kỳ vọng các quy định mới sẽ có tác động rộng rãi, “kìm chân” Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chip và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sản xuất trong nước liên quan tới vũ khí quân sự, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu và nhiều lĩnh vực khác được cung cấp bởi siêu máy tính và chip cao cấp.
Ở động thái liên quan, việc nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) mới đây thông báo tăng gấp 3 khoản đầu tư lên 40 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới sản xuất chip công nghệ cao tại bang Arizona (Mỹ) được dự báo sẽ gây sức ép lớn lên Trung Quốc.
Với chủ trương thúc đẩy ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài, tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát. Theo đó, Washington sẽ đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn và công nghệ cao nội địa. Mỹ cũng đã chi hàng chục tỷ USD cho các dự án nghiên cứu và phát triển ngành này.
Theo chuyên gia Alex Capri làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore, việc TSMC tăng cường đầu tư và sản xuất chip siêu nhỏ 3 và 4 nm tại các nhà máy ở Mỹ sẽ gây sức ép lớn lên Trung Quốc, do TSMC không được phép sản xuất chip tiên tiến tại Trung Quốc.
"Tham vọng tự chủ trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc tiếp tục đối mặt với khó khăn do Mỹ tăng cường nỗ lực bảo vệ công nghệ và chuỗi giá trị bán dẫn", ông Capri nhấn mạnh.
Mỹ thời gian gần đây cũng đã trao đổi với các đối tác, trong đó có Nhật Bản và Hà Lan, về việc siết chặt xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn Trung Quốc không thể tiếp cận một số loại chip bán dẫn được làm ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng máy móc của Mỹ, nhằm làm chậm đà phát triển quân sự và kỹ thuật nhanh chóng của Trung Quốc.
Đầu tư Tài chính