Ngân hàng Xây dựng chuyển giao bắt buộc về Vietcombank

Đây là thông tin được ông Đàm Minh Đức, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Xây Dựng (CB), cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 5/6.
cbbank-1686035474.jpeg
 

Ông Đàm Minh Đức cho biết từ năm 2015, CB chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, từ thay đổi về mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, đến hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu…

Đặc biệt, 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CB chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu. Cụ thể, tổng số dư huy động đạt hơn 20.000 tỉ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỉ đồng; đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ, kinh doanh vốn, bảo hiểm, thu hồi nợ…

"Dự kiến khoảng 6 tháng nữa Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng mẹ của CB. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã phê duyệt chủ trương này. CB cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác chuyển giao bắt buộc về Vietcombank" - ông Đàm Minh Đức thông tin.

Theo CB, được chuyển giao về một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu Việt Nam sẽ mở ra hành trình mới với CB, sau hơn 8 năm kiên định trên hành trình tái cơ cấu.

Về phía Vietcombank, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra cuối tháng 4/2023, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém và đang rất tích cực chuẩn bị cho quá trình này. 

Không chỉ Vietcombank, mùa đại hội cổ đông ngân hàng vừa qua, một số ngân hàng khác như MB, VPBank,… cũng trình cổ đông thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác. 

Trao đổi với Báo Người Lao Động, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá có 3 tác động chính từ những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm cả những thương vụ nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém. 

Theo đó, M&A sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, hệ thống tổ chức tín dụng như các đề án đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Đồng thời, góp phần lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tínd ụng, giảm cạnh tranh không lành mạnh do các NH yếu kém thường huy động lãi suất cao hơn - góp phần giảm mặt bằng lãi suất.

"M&A trong lĩnh vực ngân hàng góp phần bổ sung nguồn lực từ vốn, nền tảng khách hàng, mạng lưới chi nhánh... cho tổ chức tín dụng tiếp nhận. Dù vậy, quá trình này cần lưu ý về yếu tố văn hóa doanh nghiệp, điều chỉnh quản trị điều hành, công nghệ cho phù hợp với tổ chức tín dụng sau sáp nhập. Và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và công cụ hỗ trợ, bù đắp cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém phù hợp" – TS Cấn Văn Lực nói.