Đẩy mạnh cho vay qua kênh số
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2024, tín dụng chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 và tăng 12,8% so với cùng kỳ. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm phải đạt khoảng 5% thì kết quả hiện chỉ đạt chưa được nửa kế hoạch. Để có thể “về đích”, nhiều ngân hàng không chỉ đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay, tăng ưu đãi mà còn tăng cường hoạt động trên kênh số, nhất là cho vay trên kênh số.
Chị Thu Hường (Hà Nội) mới đây đã vay 100 triệu đồng trên kênh số của một ngân hàng thương mại. “Nếu như trước đây tôi sẽ phải đến tận quầy giao dịch để nộp hồ sơ, chờ đợi thẩm định, nhưng với việc vay qua kênh số, hoạt động phê duyệt diễn ra rất nhanh và tiền được nhận chỉ sau vài tiếng”, chị chia sẻ.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, đại diện của MSB cho biết: “Đối với hình thức cho vay qua kênh số, khách hàng có thể đọc được thông tin của các gói vay, lãi suất… Sau đó, khách hàng có thể dùng số điện thoại của mình và đăng ký một gói vay phù hợp. Khi khách hàng lựa chọn gói vay phù hợp, hệ thống sẽ gợi ý danh mục hồ sơ mà khách hàng cần nộp. Ngoài ra, còn áp dụng chữ ký số nên khách hàng không cần nộp hồ sơ bản cứng, giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Thời gian giải ngân khoản vay từ cả tháng đối với cách vay truyền thống nay có thể giảm bớt xuống chỉ còn vài ngày”.
Đại diện MSB cũng cho hay ngân hàng đang triển khai gói cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên kênh số. Theo đó, hạn mức cấp tín chấp cho khách hàng lên tới 2 tỷ đồng với thời gian phê duyệt chỉ trong vòng 4 giờ. Ngoài ra, ngân hàng còn hợp tác thêm với thuế, các bên fintech, CIC… để có thêm nhiều dữ liệu để phục vụ đánh giá thông tin khách hàng tốt hơn. Tính đến nay, đã có hơn 5.000 doanh nghiệp và 52.000 tỷ đồng dư nợ đã được cho vay qua kênh số.
Trong khi đó, ngân hàng TMCP Phương Đông cũng nâng cấp ngân hàng số thế hệ mới, cho phép vay trực tuyến chỉ từ 100 nghìn đồng. "Khách hàng có thể thực hiện 100% vay vốn qua kênh số. Nhờ đó, tạo điều kiện cho người thu nhập trung bình khá trở lên vay ngân hàng, có thẻ tín dụng với những hạn mức từ nhỏ đến lớn. Thêm vào đó, với việc 100% phê duyệt tín dụng số hóa, tự động hoàn toàn, khách hàng sẽ không cần bất kỳ một bước nào phải đến chi nhánh ngân hàng mà có thể có ngay hạn mức tín dụng dù ở bất kỳ chỗ nào", ông Nguyễn Đình Tùng, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB, chia sẻ.
Chuyển trọng tâm qua kênh số
Không chỉ tích cực cho khách hàng vay vốn ưu đãi, nhiều ngân hàng còn dồn lực cho nhiều dịch vụ ngân hàng số khác trong năm 2024. Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho biết ngân hàng này đang đẩy mạnh số hóa, tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin để bảo đảm khách hàng sẽ có được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.
Còn tại OCB, ngân hàng số là một trong những lĩnh vực cốt lõi của đơn vị này. Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn khẳng định số hóa vẫn được xem là thế mạnh cũng như chiến lược ưu tiên của OCB trong năm 2024. Thông qua kênh số, OCB sẽ đẩy mạnh nguồn thu từ các dịch vụ, đồng thời tiết giảm được chi phí vận hành.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, cho hay mỗi năm, ngân hàng đầu tư 1.000 tỷ đồng vào hoạt động phát triển công nghệ thông tin nói chung. Ngoài AI chatbot, ACB cũng cho ra mắt ACB lite - chuỗi ngân hàng tự động hướng đến những tiện ích phù hợp với cuộc sống gọn nhẹ thời hiện đại.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...
Nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày. Việt Nam cũng đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.
Mặc dù, chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều thách thức. Đầu tiên, những vấn đề pháp lý vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số. Một số ngân hàng thương mại vẫn còn tâm lý lo ngại các quy định mới liên quan đến ngân hàng số chưa được hoàn thiện, có thể dẫn đến mối đe dọa về an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, hạ tầng số, nền tảng số vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức. Điều này tạo ra những lỗ hổng mà các đối tượng phạm tội mạng có thể lợi dụng để tấn công tài khoản của khách hàng, gây thất thoát cho cả khách hàng lẫn ngân hàng.
Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. “Việc thiếu hụt nhân lực có trình độ kỹ thuật cao cũng như hạn chế về năng lực hỗ trợ của nhà cung cấp giải pháp nước ngoài khiến các ngân hàng lệ thuộc vào một nền tảng duy nhất. Điều này hạn chế khả năng mở rộng quy mô, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng”, ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc khối công nghệ và chuyển đổi số Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết.
Cũng không thể không nói tới ý thức của nhiều người về bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta nhìn chung còn hạn chế. Người dân chưa thực sự ý thức trong việc bảo mật thông tin cá nhân, làm gia tăng nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến chính bản thân và cả các tổ chức tài chính. Thực tế chỉ ra đã có rất nhiều vụ việc mất tiền trong tài khoản do khách hàng vô tình để lộ thông tin cá nhân.
Trước thực trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp như xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID.
Trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo an ninh, an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo.