Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI

Ngân hàng rầm rộ phát hành trái phiếu cuối năm

Các ngân hàng rầm rộ phát hành trái phiếu để huy động vốn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi nhằm giúp đa dạng hóa nguồn vốn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu cuối năm

Trong tháng cuối cùng của năm nay, nhiều ngân hàng công bố phát hành trái phiếu thành công và huy động được hàng ngàn tỷ đồng.

Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) vừa thông báo triển khai phát hành trái phiếu đợt hai trong giai đoạn 2024-2025. Tổng lượng phát hành là 13 triệu trái phiếu, mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 6 năm. Lãi suất cố định năm đầu tiên là 8,2%/năm, từ năm thứ hai được điều chỉnh theo lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5%.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng thông báo phát hành trái phiếu đợt 3 từ nay đến 5/3/2025, kỳ hạn 6 năm. Trước đó, trong năm 2024, MB đã phát 21 lô trái phiếu ra thị trường với tổng giá trị 22.551 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng mua lại 16 lô trái phiếu với tổng giá trị 13.203 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo chào bán 40 triệu trái phiếu ra công chúng đợt 1, với tổng giá trị là 4.000 tỷ đồng. Trái phiếu do VietinBank phát hành đợt này có mệnh giá là 100.000 đồng. Thời gian đăng ký và nhận tiền mua trái phiếu từ ngày 23/12/2024 đến 15/1/2025. Nhà đầu tư đăng ký mua tối thiểu 100 trái phiếu.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) công bố vừa phát hành lô trái phiếu riêng lẻ đợt 9 có mã VIBL2431010 kỳ hạn 7 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 7,48%/năm và số lượng phát hành là 2.000 trái phiếu.

Đầu tháng 12, VIB cũng hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ đợt 8 lô trái phiếu mã VIBL2727008, với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,3%/năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. VIB huy động được 2.000 tỷ đồng trong đợt phát hành này. Còn tính từ đầu năm đến nay, VIB đã phát hành 9 mã trái phiếu với tổng giá trị 17.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng là một trong những nhà băng có nhiều đợt huy động trái phiếu trong tháng 12/2024. Cụ thể, OCB có 3 đợt phát hành 3 lô trái phiếu có cùng kỳ hạn 3 năm, lãi suất dao động 5,5-5,6%/năm. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và tổng cộng huy động được 3.700 tỷ đồng.

trai-phieu-bank-1735484345.jpeg
 

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng vừa hoàn tất phát hành mã BABL2427010, trị giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,2%/năm, dự kiến đáo hạn ngày 2/12/2027.

Còn Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng mới phát hành 250 trái phiếu kỳ hạn 5 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 6,1%/năm, thu được 250 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) mới phát hành 180 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6,4%/năm huy động 180 tỷ đồng...

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng phát hành lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, khối lượng 1.000 trái phiếu, lãi suất 5,6%, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, huy động được 1.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa phát hành thành công lô 500 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 10 năm và lãi suất 6,2%/năm, huy động được 500 tỷ đồng.

Vì sao ngân hàng đua phát hành trái phiếu?

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng luôn dẫn đầu thị trường về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu dù chi phí vốn đắt đỏ hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được cho là nhằm bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi.

Hoạt động phát hành trái phiếu sôi nổi hơn vào cuối năm, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại gia tăng phát hành trái phiếu giúp họ có điều kiện gia tăng tín dụng, khi nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh cao hơn.

trai-phieu-bank-1-1735484345.jpeg
 

FinnRatings nhận định, trái phiếu ngân hàng có một năm 2024 bận rộn hơn các năm trước. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

“Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu”, FinnRatings cho hay.

Các ngân hàng phải trả chi phí cao hơn khi phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, kênh này giúp các nhà băng cân đối tỷ trọng huy động và an toàn vốn.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định ở mức thấp, hỗ trợ cho ngân hàng thu hút vốn qua kênh phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2, qua đó đáp ứng các điều kiện về an toàn vốn khi quy mô tổng tài sản của các ngân hàng liên tục tăng lên.

Mặt khác, theo quy định, trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được tính vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. Do đó, các ngân hàng cần phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới để thay thế các trái phiếu bị khấu trừ và tăng mức an toàn vốn.

Bên cạnh việc bổ sung vốn cấp 2, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định. Bởi từ cuối năm ngoái, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thay vì 34% như trước. Đồng thời, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động cũng được yêu cầu giảm xuống dưới 85%.

Thêm nữa, việc các ngân hàng thương mại đang tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Basell II và III thế hệ mới đòi hỏi cần phải củng cố nguồn vốn an toàn trong thời gian tới.

VIS Rating dự báo, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới. Trong đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh.

Ngoài ra, trái phiếu phát hành với nhiều kỳ hạn khác nhau, giúp ngân hàng quản lý dòng tiền và rủi ro lãi suất hiệu quả hơn. Kênh này giúp đa dạng hóa nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.

Bà Lê Phương Uyên - chuyên viên phân tích mảng ngân hàng của VPBankS - lý giải, phát hành trái phiếu giúp các ngân hàng tăng vốn tự có, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Bởi, trái phiếu giúp ngân hàng huy động vốn cấp 2 (vốn bổ sung) với giá trị lớn để mở rộng hoạt động mà không cần giảm tỷ lệ sở hữu qua phát hành cổ phiếu.

Theo các nhà đầu tư tài chính, trên thị trường vốn hiện nay, trái phiếu ngân hàng có độ tin cậy cao, chỉ sau trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, trái phiếu ngân hàng có tính linh hoạt rất cao, trái chủ có thể cầm cố vay lại vốn ngân hàng hoặc bán lại cho chính ngân hàng phát hành trái phiếu.