Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, NHNN sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.
Theo đó, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6.
Thông tin trên được NHNN cho biết tối 27/5. Phương án bình ổn thị trường mới chưa được nhà chức trách tiết lộ để thay thế cho hoạt động đấu thầu vàng.
Từ cuối năm 2023, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng một lượng.
Để tăng cung bình ổn thị trường, NHNN bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4.
Qua 9 phiên đấu thầu đã được tổ chức, có 6 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng vàng miếng trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.
Càng về sau, khối lượng đấu thầu vàng thành công càng tăng. Phiên gần nhất tổ chức ngày 23/5 có 11 ngân hàng và doanh nghiệp đã mua 13.400 lượng, chiếm gần 80% quy mô chào thầu.
Như vậy, sau 9 phiên bán đấu thầu vàng miếng SJC kể từ 22/4, nhà điều hành quyết định dừng hoạt động này.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, giải pháp đấu thầu vàng miếng chưa hiệu quả.
Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, cho hay, cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua không rõ mục tiêu. Ông cho rằng, giá sàn - mức nhà chức trách công bố để doanh nghiệp bỏ thầu - cao, nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn. Để kéo vàng trong nước về sát với quốc tế, nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.