Tín dụng bứt tốc trong tháng 6
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới được công bố cho thấy, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến hết tháng 6 tăng khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%, tương đương hơn 1/4 tổng dư nợ của nền kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, hơn 810.000 tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế. Doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
Trong khi đó, con số tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5 mới chỉ 2,4%. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 6, tín dụng tăng 3,6%, tương đương nền kinh tế hấp thụ được 480.000 tỷ đồng, cao hơn tổng vốn mà các ngân hàng bơm ra trong cả 5 tháng đầu năm.
Chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6 (từ 24-30/6), tín dụng tăng tới hơn 1,5%, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm hơn 210.000 tỷ đồng.
Tính riêng quý II, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 630.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với quý I, báo hiệu tín dụng đã tăng tốc tốc kể từ cuối quý II.
Mục tiêu của Chính phủ và NHNN là tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% vào cuối quý II. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã hoàn thành mục tiêu của Chính phủ.
Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng đi lên và trong thời gian ngắn, một dòng vốn lớn từ tín dụng ngân hàng đã được bơm vào nền kinh tế qua các khoản giải ngân cho vay.
Tín dụng tăng trưởng nhờ nhu cầu vay phục hồi, đầu tư công được thúc đẩy; các chính sách giảm thuế, phí VAT và đặc biệt các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả.
Đánh giá về hoạt động điều hành trong 6 tháng đầu năm, Tổng Cục Thống kê cho biết NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Khi lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm, thị trường bất động sản dần hồi phục, nhu cầu mua nhà ở, đầu tư tài sản tăng trở lại. Nhờ đó, cho vay bất động sản tăng, đặc biệt tập trung vào phân khúc cho vay bất động sản bình dân phục vụ nhu cầu ở thực của khách hàng.
Tổ chức VIS Rating kỳ vọng, trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng sẽ được dẫn dắt bởi nhu cầu vay vốn từ nhóm ngành bất động sản, thương mại nội địa, chế biến chế tạo, trong khi vay tiêu dùng cá nhân sẽ tăng dần trong nửa cuối năm 2024.
Nhiều chính sách của Chính phủ để hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế như giảm thuế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đã bắt đầu phát huy tác dụng giúp hỗ trợ hoạt động kinh doanh và từ đó đẩy mạnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong nước.
Còn FiinRatings dự báo, nhu cầu vay vốn nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục. Lĩnh vực sản xuất có những tín hiệu hồi phục khi chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng qua ước tăng 6,8% so với cùng kỳ 2023, chế biến - chế tạo tăng 7,3%. Xuất khẩu cũng tăng trở lại nhờ các thị trường chính phục hồi.
FiinRatings cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản (bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại) triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần tháo gỡ.
Ngân hàng cấp tập đẩy vốn ra thị trường
Năm 2024, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Có điều kiện để đẩy mạnh cho vay thay vì hạn chế room như các năm trước, các ngân hàng đang từng bước kích cầu vốn thông qua chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Theo giới phân tích, đà phục hồi của tín dụng nửa cuối năm 2024 sẽ mạnh hơn khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn.
Mặt khác, các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh giải ngân để làm cơ sở xét “room” tín dụng năm sau.
Dù room tín dụng đã được NHNN cho các ngân hàng từ đầu năm nhưng cơ quan này cho biết sẽ rà soát lại khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và điều hòa trong toàn hệ thống để chuyển từ ngân hàng không có nhu cầu sang các ngân hàng có khả năng tăng trưởng.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) mới đây yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo lại khả năng tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để NHNN phân bổ phù hợp, nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room tín dụng, nhưng không thể tăng trưởng thì sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm tới.
Vì vậy, để thúc đẩy tín dụng, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn, cũng như tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận và giải ngân vốn.
Nhiều gói vay tiêu dùng như mua đồ điện tử, cải tạo, sửa chữa... lãi suất chỉ khoảng 6%/năm, có thể vay trực tuyến, nên tốc độ tăng trưởng gấp 2,3 lần mức tăng trung bình của tín dụng toàn ngành.
BIDV hiện có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với khách hàng thông thường.
Tại Agribank, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngoài giải pháp hạ lãi suất cho vay, Agribank cũng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi tổng quy mô 220.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu… với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 1-2,5%/năm so với lãi suất thông thường.
Các nhà băng kỳ vọng, tín dụng dần cải thiện rõ nét ở các quý tới đây và đạt mục tiêu ngành đưa ra 14-15% trong năm nay.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, trong quý II/2024, tín dụng của ACB tăng gấp đôi so với quý đầu năm nay và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới, nên ngân hàng đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm 2024 là 16%.
Ông Phát nhận định lãi suất cho vay thấp là một trong những nhân tố kéo cầu tín dụng trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp ít nhất từ nay đến cuối năm, các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức thấp.
Còn ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho biết, tín dụng sẽ tăng mạnh hơn vào các quý còn lại của năm. MB vẫn kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.