Một số ‘điểm sáng’ của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022

Nổi lên trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam được xem là điểm sáng khi tăng trưởng cao, có nền kinh tế mở, năng động và có sức chống chịu qua đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh năm 2022 chuẩn bị qua đi với nhiều biến động bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái, lạm phát cao. Vậy nhưng, nổi lên trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam được xem là điểm sáng khi tăng trưởng cao, có nền kinh tế mở, năng động và có sức chống chịu qua đại dịch Covid-19.

Kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và lấy lại đà tăng trưởng vốn có. Ảnh minh họa.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và lấy lại đà tăng trưởng vốn có, dự kiến tăng trưởng GDP trên 8%. Gần đây nhất, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên 7,5%, thậm chí có thể đạt 8%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02%, cả năm dưới 4% theo đúng như mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 2,38%. Đóng góp vào con số tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đạt 674 tỷ USD (đến nay đã vượt 700 tỷ USD), tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD (tăng 11,8%).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc (tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 195 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ). Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% và cao nhất trong 5 năm qua.

Năm 2022 cũng được đánh giá là năm Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới...

Song song những nghị quyết chung, Bộ Chính trị còn ban hành nhiều nghị quyết vùng kinh tế trọng điểm. Đây là những tiền đề quan trọng, động lực để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.

Nỗ lực phát triển nền kinh tế của Việt Nam cũng được nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, trang tin của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, ngay nửa đầu năm nay đã thấy sự chuyển dịch lớn về kinh tế khi thực hiện nới lỏng quy định về dịch, chiến lược thích ứng an toàn và tỷ lệ tiêm vaccine vượt trội. Các chính sách lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ đã mang lại sản lượng sản cao, bán lẻ và du lịch phục hồi.

Trang Bloomberg cũng đồng tình khi cho rằng gói kích thích 15 tỷ USD của Chính phủ và chính sách tiền tệ linh hoạt đã là nền tảng cho sự hồi phục. Chính chiến lược này đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi tình hình địa chính trị phức tạp và nhiều nước còn đóng cửa vì Covid-19.

Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam trở thành điểm sáng với cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư thân thiện và thành công trong kiểm soát Covid-19, vì vậy hoàn toàn có thể kỳ vọng vào dự báo kinh tế ngày càng tích cực của Việt Nam trong những năm tới.

Tuy nhiên, ở một góc độc khác, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cũng cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng không được chủ quan. Bởi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỉ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương Mỹ và châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam).

Sự ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn trong nước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới đang ở thời điểm tăng trưởng chậm lại. Thậm chí một số nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái cục bộ ngắn hạn. Bên cạnh đó là những tác động của biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.

Theo CLVN