Lãi suất cho vay tới 11%/năm
Kết quả cuộc khảo sát nhanh về lãi suất cho vay ngân hàng của hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho thấy, mức lãi suất vay hiện tại có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng và loại hình vay.
Về lãi suất vay ngắn hạn, doanh nghiệp cho biết, lãi suất cho vay dao động từ 4% đến hơn 9,5%/năm, trong đó mức phổ biến rơi vào khoảng 6-8,5%/năm.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp phản ánh đang phải chịu lãi suất tới 11%/năm, vượt xa mặt bằng chung hiện tại.
Lãi suất vay trung và dài hạn dao động từ 5-11%/năm, phần lớn doanh nghiệp đang vay ở mức 6--8%/năm. Trả lời khảo sát, một số doanh nghiệp phản ánh không được tiếp cận nguồn vốn vay hoặc vẫn đang chịu lãi suất cao dù có các gói hỗ trợ được công bố.
Không ít doanh nghiệp cho biết hiện tại không vay được vốn hoặc bị từ chối do tài sản bảo đảm không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các tài sản hình thành trong tương lai.

Theo kết quả khảo sát, có khoảng 50% doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất hiện nay là chưa hợp lý, trong khi số còn lại đánh giá là hợp lý.
Theo phản ánh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, vốn chủ yếu dành cho doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nhà nước. Điều đáng nói, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và cách thức triển khai thực tế tại các ngân hàng thương mại.
Các doanh nghiệp hội viên mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, hạ lãi suất vay ngắn hạn về mức 4-6%/năm, lãi vay trung - dài hạn về mức 5-8%/năm. Đồng thời, ổn định chính sách lãi suất trong dài hạn, tối thiểu từ 3-5 năm, để doanh nghiệp có thể chủ động trong lập kế hoạch tài chính.
Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam kiến nghị ưu đãi thực chất và rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua các gói tín dụng chuyên biệt, giảm yêu cầu về tài sản bảo đảm; giảm chi phí và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng tỷ lệ chấp nhận tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin về các gói tín dụng ưu đãi hiện có, tránh tình trạng doanh nghiệp không biết hoặc khó tiếp cận do thiếu thông tin.
Trước đó, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng ghi doanh nghiệp gặp khó về vốn và kiến nghị hỗ trợ tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn. HUBA đề xuất ngân hàng hạ biên lãi ròng (NIM) về 2,5% nhằm hỗ trợ vốn rẻ cho doanh nghiệp.
Cần giải pháp kịp thời hỗ trợ thanh khoản
Có thể thấy, các doanh nghiệp phản ánh chi phí vốn vay còn cao, các ưu đãi còn khó tiếp cận, mặc dù phía NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại đã và đang nỗ lực tiết giảm chi phí, qua đó giảm lãi vay.
Năm 2024, theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5%/năm trong năm 2023; lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Trong các tháng đầu năm 2025, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng thương mại đã tích cực tiết giảm chi phí, để có điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Từ 25/2 đến 4/4, sau cuộc họp với NHNN, có 26 ngân hàng đã triển khai hạ lãi suất huy động, trong đó có nhiều ngân hàng hạ lãi suất nhiều lần như Eximbank (7 lần), KienlongBank (4 lần).
Mức giảm lãi suất huy động của các ngân hàng từ 25/2 tới nay từ 0,1-1,05%/năm tùy theo từng kỳ hạn.
Lãi suất huy động giảm gắn với "làn sóng" giảm lãi vay. Gần đây, hàng loạt ngân hàng thương mại triển khai các chương trình vay trả nợ trước hạn, với lãi suất phổ biến dao động từ 5-8%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn vay và điều kiện khách hàng.
Điển hình, Agribank triển khai tới 4 chương trình cho vay doanh nghiệp, với bình quân lãi suất cho vay chỉ ngang lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-11 tháng, từ 2,4-3,5%/năm tại chính ngân hàng này. Hay Vietcombank có chương trình cho vay lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 4,6%/năm.
Một loạt ngân hàng thương mại ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã tung gói vay mua nhà ưu đãi cho người trẻ dưới 35 tuổi, với lãi suất đặc biệt "siêu thấp".
Sau khi Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tiên phong gói vay ưu đãi với lãi suất 5,5%/năm dành cho người trẻ mua nhà, hàng loạt ngân hàng thương mại khác cũng đã nhập cuộc.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) triển khai chương trình cho vay mua nhà với lãi suất từ 4,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng công bố gói tín dụng ưu đãi trị giá 3.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 0% nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân, đặc biệt là người trẻ dưới 35 tuổi, trong việc mua nhà, tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng tung ra thị trường gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 3,99%/năm dành cho người trẻ vay mua nhà.
Lãnh đạo NHNN cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay là 16%, nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát. Nếu các ngân hàng thương mại cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh thì mục tiêu này càng được chủ động triển khai.
Theo giới phân tích, ngành ngân hàng phải chấp nhận hi sinh một phần lợi nhuận, giảm lãi vay để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng NHNN sẽ phải có giải pháp kịp thời hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá, để phục vụ mục tiêu tăng trưởng năm 2025, rất cần ngành ngân hàng cho vay với lãi suất thấp. Đây là áp lực lớn khi lãi suất cho vay phải giảm thêm để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi lãi suất huy động khó có thể giảm thêm. Nếu giải quyết vấn đề không khéo, sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản.
Dù dòng tiền tiết kiệm của dân cư, doanh nghiệp đang tiếp tục chảy vào ngân hàng nhưng khi nền kinh tế phát triển, các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, người dân sẽ không chuộng gửi tiết kiệm. Như vậy, ngân hàng sẽ gặp khó trong huy động vốn và sẽ khó khăn khi muốn giảm lãi suất cho doanh nghiệp.