Hơn 5,7 triệu thuê bao thuộc nhóm 4 đến 9 SIM chung 1 giấy tờ

Thời gian qua, thông qua rà soát, Cục Viễn thông và các nhà mạng đã phát hiện một số lượng lớn, khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4 đến 9 SIM có chung 1 giấy tờ.

Chiều 13/5, tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 5/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Viễn thông đã trao đổi về vấn đề xử lý SIM rác, SIM không cập nhật thông tin chính chủ sau ngày 15/4 và các biện pháp hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Cụ thể, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Bộ Thông tin và truyền thông đã nêu rõ quan điểm: "Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định."

Theo ông Nhã, thời gian qua các doanh nghiệp cùng Cục Viễn thông đã rà soát những người dùng đứng tên từ 4 - 9 SIM, theo đó phát hiện ra một số lượng tương đối lớn, khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4 - 9 SIM/1 giấy tờ. 

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông.

Cục Viễn thông sẽ rà soát thêm để có hoạt động chuẩn hóa thông tin, chặn thuê bao có dấu hiệu thông tin không chính xác.

Ông Nhã đề nghị: “Người dùng di động cần tích cực sử dụng dịch vụ nhắn tin tới đầu số 1414, kèm theo số căn cước công dân để xem đang đứng tên bao nhiêu SIM, từ đó có hoạt động chuẩn hóa hoặc đăng ký lại thông tin thuê bao".

Do lượng SIM rác vẫn còn trên thị trường nên khó tránh khỏi cuộc gọi rác, điều này vẫn ảnh hưởng lớn, làm phiền đến người dân.

"Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông vẫn tiếp tục triển khai cuộc gọi Brandname (cuộc gọi định danh). Dịch vụ này đã được áp dụng với Bộ Công an, nhiều doanh nghiệp và đã hiện tên khi gọi đến người dân", ông Nhã cho biết.

Thông tin thêm về việc thương mại hóa dịch vụ 5G, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Bộ chính thức cấp phép sử dụng băng tần 5G và cấp phép cung cấp dịch vụ 5G từ ngày 11/4/2024 cho 2 doanh nghiệp là: Viettel và VNPT.

Tuy nhiên, việc cấp giấy phép chỉ là một trong các điều kiện thương mại hóa 5G, các nhà mạng phải thực hiện đầu tư hạ tầng mạng viễn thông 5G để có thể chính thức cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc.

“Thời gian qua, 2 nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone đã thử nghiệm 5G trên phạm vi rộng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, do phục vụ mục đích thử nghiệm nên quy mô mạng 5G đã triển khai không đáng kể. Hiện, 2 nhà mạng đang thực hiện các thủ tục đấu thầu, đầu tư thiết bị để triển khai mạng 5G thương mại”, ông Nguyễn Phong Nhã thông tin.

Ông Nguyễn Phong Nhã thông tin thêm, tại thời điểm cấp giấy phép, các nhà mạng đã cam kết triển khai mạng viễn thông và chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông muộn nhất 1 năm sau khi được cấp giấy phép; đầu tư 3.000 trạm thu phát sóng (BTS) theo nội dung yêu cầu cam kết sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép. 

Theo kế hoạch dự kiến, trước mắt, các doanh nghiệp sẽ triển khai tại các vị trí trung tâm, thủ phủ các quận huyện thuộc tỉnh, thành phố, sau đó tiếp tục phủ sóng 5G tại các địa bàn còn lại. Ngoài ra, 5G cũng sẽ được tập trung triển khai tại địa các khu công nghiệp, nhà máy thông minh tùy thuộc theo nhu cầu của thị trường về các tính năng đặc biệt của 5G như độ trễ thấp, mật độ cao.