Hơn 300.000 trái phiếu DN đáo hạn: Áp lực trả nợ cao nhất 3 năm qua

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300.000 tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây), trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%.

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Chính phủ cho biết thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng, đến cuối tháng 02 là 4,92%. 

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, khối lượng phát hành 4 tháng giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2023; áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn.

trai-phieu-doanh-nghiep-ap-luc-1715613307.jpg
 

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro (tỷ lệ nợ xấu nội bảng bình quân toàn hệ thống NHTM cuối tháng 2/2024 là 4,86%). 

Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức. Trong đó, 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm và có sự phục hồi nhẹ trong tháng 3. Đến 05/4/2024 tín dụng tăng thấp (0,95%).

Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25.000 đồng/USD (tỷ giá bán ra ngày 17/4 của ngân hàng Vietcombank, Vietinbank là 25.348 đồng/USD, BIDV là 25.346 đồng/USD), dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn duy trì ở mức âm.

Cùng với đó, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300.000 tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây), trong đó nhóm BĐS chiếm khoảng 44,2%.

Ủy ban Kinh tế cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.