Theo báo cáo tài chính hợp nhất của HBC, quý II/2023, doanh thu thuần đạt 2.298 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Song, nhờ giá vốn giảm tới 70%, lợi nhuận gộp đạt 423 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Như vậy, HBC đã cắt đứt được chuỗi 2 quý liên tiếp lỗ gộp (quý IV/2021: lỗ gộp 426 tỷ đồng; quý I/2023: lỗ gộp 202 tỷ đồng).
Trong quý, HBC tiếp tục thanh lý các khoản đầu tư, thu về 93 tỷ đồng doanh thu tài chính, ít hơn cùng kỳ 48%. Ngược lại, chi phí tài chính gần như không có gì thay đổi, đạt 142 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HBC còn phải chịu khoản chi phí quản lý “khổng lồ”, tới 435 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần, chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi (317 tỷ đồng). Điều này khiến HBC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 68 tỷ đồng.
Phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác, lên tới 653 tỷ đồng, chủ yếu do thanh lý tài sản cố định, vật tư (656 tỷ đồng), HBC mới có lãi.
Kết quý II/2023, HBC có lãi trước thuế 585 tỷ đồng, tăng 8,5 lần và lãi sau thuế 546 tỷ đồng, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả nói trên đã chấm dứt chuỗi 2 quý liên tiếp thua lỗ của HBC (quý IV/2021 lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng; quý I/2023 lỗ sau thuế 445 tỷ đồng), song cũng cho thấy chất lượng lợi nhuận của HBC là rất thấp, bởi lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh mà tới từ việc bán tài sản.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HBC đạt 3.492 tỷ đồng, giảm 51%; lợi nhuận gộp đạt 221 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí tài chính và chi phí quản lý tiếp tục là “hai cục tạ” trong bức tranh 6 tháng của HBC khi lần lượt đạt 279 tỷ đồng (tăng 19%) và 535 tỷ đồng (tăng 84%) khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 516 tỷ đồng.
Phải nhờ vào khoản lợi nhuận khác đột biến trong quý II/2023, HBC mới có lãi trước thuế 142 tỷ đồng, tăng 63% và lãi sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Kết quả này đã giúp lỗ lũy kế của HBC giảm còn 2.020 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của HBC đạt 14.701 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản nổi bật với tỷ trọng rất lớn của các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 10.463 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản. Đáng chú ý, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã tăng thêm 327 tỷ đồng so với đầu năm, lên 2.386 tỷ đồng, gần như lớn nhất toàn ngành xây dựng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của HBC tại ngày 30/6/2023 đạt 13.407 tỷ đồng, giảm 968 tỷ đồng, tương đương giảm 6,7% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm 38,6%, đạt 5.177 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm.
Với vốn chủ sở hữu đạt 1.294 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của HBC là 10,3 lần.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 6 tháng của HBC dương 843 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải trả (1.244 tỷ đồng), giảm các khoản phải thu (613 tỷ đồng). Công ty cũng đã thu hẹp việc mua sắm tài sản và tăng cường thu hồi cho vay, bán công cụ nợ của đơn vị khác trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, “nguồn sữa” nuôi dưỡng chính của HBC vẫn là dòng tiền đi vay khi quy mô 6 tháng qua đã lên tới 8.250 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là điểm yếu cố hữu của HBC trong rất nhiều năm qua.