Theo ông Trương Gia Bình, đây là các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất hiện nay. Bất kỳ câu hỏi nào của ông cũng đều được các ứng dụng trên trả lời.
Chủ tịch FPT chia sẻ thêm: “Đáng ngạc nhiên, khi tôi đặt câu hỏi công ty cần phải làm gì để nhân viên phải hạnh phúc thì máy trả lời được khoảng 85% những cái tôi đang nghĩ. Giả sử tôi là một nhà lãnh đạo lười biếng thì tôi cứ đem máy tôi dùng, tôi làm đúng những gì máy bày cho tôi”.
Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình cũng thừa nhận, khi tất cả mọi người đều có máy thì nếu làm vậy, ông sẽ thất bại, bởi vì những người khác sẽ còn 15% sáng tạo nữa. Ông Trương Gia Bình đưa ra lời khuyên: “Theo tôi, máy là một người trợ lý cho chúng ta. Đừng để máy là người lãnh đạo chúng ta”.
Theo ông Trương Gia Bình, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế hoàn toàn được con người mà chỉ hỗ trợ cho con người làm việc tốt hơn, tạo ra những giá trị cao hơn trong cuộc sống. Khi AI xuất hiện, có thể một số công việc sẽ bị mất đi, nhưng nó lại tạo ra những công việc mới vì chính con người sáng tạo ra AI, nên cũng cần phải quản trị những công nghệ đó.
Về các ứng dụng AI trên điện thoại của ông Trương Gia Bình, đầu tiên là ChatGPT, trí tuệ nhân tạo "gây sốt" toàn cầu thời gian qua. ChatGPT (tên đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) ra mắt từ tháng 11/2022, là công cụ hỏi đáp tự động được tích hợp trí tuệ nhân tạo do công ty công nghệ OpenAI phát triển. ChatGPT là một chatbot xây dựng để tương tác chat bằng cách trả lời các câu hỏi dựa trên mô hình xử lý ngôn ngữ trên dữ liệu đầu vào là internet. Về cơ bản, ChatGPT được thiết kế để mô phỏng các cuộc trò chuyện giống của con người, có thể làm thơ theo yêu cầu, thậm chí có thể trả lời các câu hỏi phức tạp theo nhiều phong cách khác nhau.
Để cạnh tranh với ChatGPT, Google ra mắt chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo Bard. Bard được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ cho các ứng dụng đối thoại (LaMDA - Language Model for Dialogue Applications). LaMDA là dự án trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho các phần mềm chat tự động, được Google giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2021. Google cho biết, Bard có thể giúp người dùng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, chẳng hạn trả lời những câu hỏi khó bằng các thông tin đơn giản mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu được.
Trong khi đó, Microsoft Bing là công cụ tìm kiếm do Microsoft phát triển và điều hành, được ra mắt vào tháng 6/2009. Sau đó, Microsoft đã tích thêm công nghệ AI vào công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge để tại ra Bing AI. Tương tự như ChatGPT, Bing AI là một công cụ tích hợp AI với trình duyệt Bing dùng để trả lời những câu hỏi từ người dùng. Điểm đặc biệt của Bing AI chính là hỗ trợ cập nhật dữ liệu mới nhất liên tục trong khi ChatGPT bị giới hạn dữ liệu đến năm 2021.