Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.
Trong đó, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 887.724 tỷ đồng.
Ngân hàng liên quan đến Chủ tịch Ngô Chí Dũng đặt mục tiêu năm 2025 thu về 25.270 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 26% so với kết quả thực hiện năm 2024. Đây cũng là mục tiêu lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.
Để đạt mục tiêu lợi nhuận này, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 25%, tổng dư nợ đến cuối năm dự kiến đạt 887.724 tỷ đồng.
Số dư huy động vốn từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến đạt 742.311 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước.
Với kết quả tăng trưởng tài sản kể trên, VPBank cũng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản hợp nhất năm nay lên hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 23% so với năm liền trước.

Tới cuối năm 2024, tổng tài sản của VPBank ở mức 923.848 tỷ đồng, tăng 106.281 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương tăng 13%.
Với mức tăng gần 209.000 tỷ đồng trong năm nay, dự kiến, tổng tài sản VPBank sẽ mở rộng trung bình hơn 52.000 tỷ đồng vào mỗi quý. Như vậy, VPBank có thể đạt được quy mô tài sản triệu tỷ vào giữa năm 2025.
Cùng với VPBank, một ngân hàng tư nhân khác cũng dự kiến sẽ đạt quy mô tài sản trên 1 triệu tỷ đồng trong năm 2025 là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Theo tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ thường niên 2025, Techcombank dự kiến trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này.
Để đạt được kết quả này, ban lãnh đạo Techcombank đặt ra kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng 16,4%. Theo tính toán của Techcombank, với mức tăng trưởng tín dụng này, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2025 có thể đạt 745.738 tỷ đồng, tương đương mức tăng ròng trên 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024.
Về chỉ tiêu huy động vốn, Techcombank không đặt mục tiêu cụ thể nhưng đảm bảo huy động phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế, nhằm tối ưu hóa bảng cân đối.
Techcombank cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành hơn 21,38 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng.

Dù không đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản năm nay nhưng tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 979 nghìn tỷ đồng, tăng 129.300 tỷ (tương đương 15,2%) so với hồi đầu năm.
Riêng trong quý IV/2024, tổng tài sản của Techcombank tăng thêm gần 52.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng tài sản như trên, Techcombank có khả năng sẽ đạt quy mô tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng ngay trong quý I/2025 và trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên đạt được cột mốc này.
Như vậy, trong năm 2025, Việt Nam sẽ có ngân hàng tư nhân đầu tiên đạt mốc tài sản triệu tỷ đồng.
Hiện Việt Nam có 5 ngân hàng đạt được quy mô tài sản ở mức triệu tỷ đồng và tất cả đều là nhà băng có yếu tố Nhà nước, gồm: BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank và MB.
Trong đó, BIDV dẫn đầu toàn ngành về quy mô tổng tài sản với hơn 2,76 triệu tỷ đồng; theo sau là VietinBank (2,385 triệu tỷ đồng), Agribank (2,2 triệu tỷ đồng), Vietcombank (2,085 triệu tỷ đồng) và MB (1,129 triệu tỷ đồng).