Phát hiện nhiều vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu kém chất lượng
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng đang có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Trong đó, không chỉ với các nhóm mặt hàng “thường xuyên” bị làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ như thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, điện gia dụng, hàng tiêu dùng… mà ngay đến nhóm mặt hàng đặc thù như xăng, dầu tình trạng gian lận thương mại cũng diễn ra nhức nhối.
Trước đó, ngày 4/7/2023, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh Cà Mau đã tiến hành kiểm tra đối với Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ xăng dầu M.T, do bà T.T.C.T làm chủ doanh nghiệp, có địa chỉ tại Khóm 3, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Sau đó Đoàn kiểm tra tiến hành lấy một mẫu Xăng Ron 95-III và một mẫu Dầu DO 0,05%S, gửi tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chỉ định thử nghiệm, giám định chất lượng và kết quả 2 mẫu xăng Ron 95-III và mẫu dầu DO 0,05%S đều có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Tương tự, tại tỉnh Bắc Kạn, trong tháng 7/2023, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành kiểm tra và xử phạt Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Na Rì, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại PLI, về hành vi buôn bán xăng không đảm bảo chất lượng đối với 3.000 lít xăng Ron 95-III là hàng hóa vi phạm còn tồn ở bể chứa và “Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng” (đối với hơn 300 lít xăng Ron 95-III là hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ).
Kinh doanh xăng, dầu kém chất lượng vẫn phức tạp nên có biện pháp nghiêm để xử lý. Ảnh minh họa
Ngày 12/7/2023, Đội QLTT số 11, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội tiến hành kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Nhật Tuấn. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng tiến hành lấy 1 mẫu xăng RON 95 – III tại cửa hàng để kiểm nghiệm chất lượng. Lượng tồn xăng lúc này tại cửa hàng là 5.957 lít. Kết quả thử nghiệm mẫu xăng RON 95-III của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 – Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với mẫu xăng trên cho thấy, trị số Octan của mẫu xăng RON 95-III (xăng không chì – mức 3) là không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Lượng hàng hóa vi phạm có trị giá trên 133 triệu đồng.
Nguy hại từ xăng, dầu giả, kém chất lượng
ThS Trần Thắm, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, chiêu làm xăng giả, kém chất lượng thường được các đối tượng áp dụng để tạo ra xăng A95 giả là pha 30% dung môi với 50% xăng A95 thật, còn lại là chất tạo màu vàng. Hoặc dùng dung môi trộn với một phần nhỏ xăng nền A95 và chất kích Ron, chất tạo màu. Đối với loại E5, họ sẽ dùng 35% dung môi, 40% xăng nền A95, còn lại là chất kích RON, chất tạo màu.
Dung môi được sử dụng pha xăng giả là các sản phẩm hữu cơ tạp thu được trong quá trình chưng cất dầu mỏ, có chỉ số RON rất thấp. Dung môi chỉ được dùng trong các sản phẩm công nghiệp như pha trộn với sơn, sản xuất gỗ, thuộc da chứ không được dùng để tạo thành xăng dầu.
Điều đáng nói, người tiêu dùng không thể nhận biết xăng kém chất lượng cho đến khi mua về, vận hành xe. Theo ThS Trần Thắm, sử dụng phải xăng giả, xăng kém chất lượng sẽ để lại nhiều hậu quả trực tiếp đối với động cơ máy móc. Đầu tiên, các ống cao su trong hệ thống dẫn nhiên liệu của ô tô và xe máy chịu được xăng thật chứ không phải xăng giả. Do vậy, khi đổ xăng giả, các gioăng cao su bị nở ra sẽ xảy ra tình trạng rò rỉ xăng. Khi xăng rò rỉ chỉ cần một tia lửa điện là phát cháy. Tiếp đến, xăng giả tác động đến kết cấu và làm động cơ hao mòn rất nhanh. Khi dùng xăng này, xe dễ xảy ra hiện tượng kích nổ, gây ra sóng áp suất mạnh. Các chi tiết về cơ khí như pittong dễ bị cong, mòn, hư hại.
Khi ô tô, xe máy đổ nhầm xăng kém chất lượng thì dẫn đến hiện tượng khó khởi động xe, hay chết máy trong quá trình xe chạy hoặc giảm công suất động. Nguyên nhân là do xăng kém chất lượng không đảm bảo các thành phần hoá học, không đảm bảo trị số octan của nhiên liệu (trị số Octan đặc trưng cho tính chống kích nổ của nhiên liệu, để đảm bảo xăng được đốt cháy hoàn toàn trong buồng đốt của động cơ mà không gây kích nổ) dẫn đến giảm chất lượng quá trình cháy ảnh hưởng tới đặc tính kỹ thuật của động cơ.
Ngoài ra, sau quá trình cháy sẽ sinh ra nhiều các thành phần hóa học khác bên trong xy-lanh động cơ gây nên các hiện tượng oxy hoá, ăn mòn xy-lanh, các thành phần muội sinh ra bám vào thành xy-lanh, đầu bugi, khoang buồng cháy cũng làm giảm chất lượng đánh lửa, thành phần nhiên liệu... Nhiên liệu bẩn sẽ ảnh hưởng chung tới quá trình cháy, tăng khả năng gây kích nổ cũng như ảnh hưởng tới độ bền tuổi thọ các chi tiết trong động cơ như lọc xăng, xy-lanh, bugi.
Cần chế tài đủ mạnh để xử lý
Trước những vấn nạn gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu, luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các chế tài xử lý chưa thật sự đủ mạnh. Bởi thế, dù các lực lượng chức năng vào cuộc ráo riết, xử phạt vi phạm liên tục, nhưng một thời gian sau vẫn xuất hiện các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.
“Cần phải tăng mức chế tài xử lý đối với các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu vi phạm hoạt động kinh doanh, gian lận thương mại. Khi phát hiện, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả, thì cần xử lý mạnh tay hơn như rút giấy phép hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy tố… có như vậy, vấn nạn gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng, dầu mới thực sự được chấn chỉnh”, Luật sư Sơn cho hay.
Liên quan tới tình trạng này, mới đây Tổng cục QLTT đã có văn bản yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng, dầu.
Bên cạnh đó, Tổng Cục QLTT cũng yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng, dầu, như lấy mẫu xăng, dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng, dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2022/BKHCN về Xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học mới từ ngày 01/02/2023 Ngày 15/12/2022 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2022/BKHCN về Xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học. Phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2022/BKHCN như sau: Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến an toàn: sức khỏe, môi trường và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với các loại xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học, bao gồm: Xăng không chì, xăng E5, xăng E10; Nhiên liệu điêzen, nhiên liệu điêzen B5; Nhiên liệu sinh học gốc: Etanol nhiên liệu không biến tính, etanol nhiên liệu biến tính và nhiên liệu điêzen sinh học gốc B100. Các nhiên liệu trong Quy chuẩn kỹ thuật này có mã HS được quy định trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 (xem Phụ lục A). Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với các loại nhiên liệu sử dụng trong ngành hàng không và mục đích quốc phòng. |