Giảm vốn điều lệ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ

Tại dự thảo thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế tương ứng.

NHNN đang dự thảo Thông tư quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD). 

Thông tư này kế thừa một số quy định tại Thông tư 11 ngày 2/8/2019 của Thống đốc NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với TCTD được xây dựng, ban hành theo quy định tại Luật Các TCTD 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Một số nội dung quy định tại Thông tư 11 không còn phù hợp với Luật các TCTD 2024 cần được thay thế bằng thông tư mới. 

Trong đó, Điều 8 dự thảo Thông tư mới quy định giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. 

Cụ thể, NHNN quyết định ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế tương ứng tại Quyết định chuyển giao bắt buộc theo quy định tại Điều 183 Luật Các TCTD. 

Việc này là để phù hợp với quy định tại Điều 183 Luật các TCTD 2024, trong đó quy định rõ thời điểm NHNN quyết định ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt là thời điểm NHNN có quyết định chuyển giao bắt buộc. 

sacombank-vi-pham-1-1689088774.jpeg
 

Thông tư 11 quy định NHNN quyết định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. 

Trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ theo kết quả xác định của tổ chức kiểm toán độc lập, cộng với kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt âm, NHNN quyết định việc ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt về bằng 0 đồng tại quyết định chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế.  

Mức vốn này thay thế mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động mà NHNN đã cấp cho ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. 

Theo quy định của Luật Các TCTD, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao. Bên nhận chuyển giao có thể là tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, nhà đầu tư khác có đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định được nhận chuyển giao bắt buộc. Phương án này được xem như một cơ hội “tái sinh” đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt tuy nhiên cũng gia tăng gánh nặng cho bên nhận chuyển giao bắt buộc.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với ba ngân hàng đã được mua lại với giá 0 đồng là CBBank, OceanBank, GPBank cùng với đó là Ngân hàng TMCP Đông Á (“DongA Bank”) và một ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt khác.

Tổ chức tín dụng trong nước khi nhận chuyển giao bắt buộc có thể được tạo điều kiện thông qua dự thảo quy định về việc tăng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc. 

NHNN gần đây đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. 

Trong đó, nổi bật là đề xuất nâng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30%  nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ). 

Với việc bổ sung thêm nguồn lực cả về tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị từ các đối tác nước ngoài, việc nhận quản lý và vận hành của bên nhận chuyển giao đối với ngân hàng được chuyển giao hứa hẹn sẽ thuận lợi hơn.