Vừa qua, theo báo Chính phủ đưa tin, tại Văn bản số 7220/VPCP-KTTH ngày 27.10.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu để trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ nhận được báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin báo chí trong tuần liên quan công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về các giải pháp điều hành xăng dầu, cụ thể: “Báo chí tuần qua tiếp tục có loạt bài về các bất cập trong cơ chế điều hành xăng dầu: Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt hiện nay, nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý (chi phí nhập khẩu trong giá cơ sở, doanh nghiệp đầu mối ngưng nhập hàng, quy định tạo khâu trung gian phân phối, cơ quan hải quan không cho nhập khẩu xăng dầu); vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia bảo đảm nguồn cung dài hạn...”.
Theo báo Đại Đoàn Kết, tình trạng hết dầu, hết xăng tại một số cây xăng phía Nam và phía Bắc lại diễn ra. Đó phải coi là điều lặp lại bất thường và đáng lo ngại vì rằng nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt vào thời điểm cuối năm sẽ gây tác động xấu. Vậy việc bán lẻ xăng dầu đang bị nghẽ ở đâu? và giải pháp nào để tháo gỡ được những khó khăn như hiện nay?
Báo Đại Đoàn Kết cũng dẫn lời ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): nên cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu không chỉ ở thị trường có thuế suất ưu đãi mà ở cả thị trường có mức thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung. Cùng đó là điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng tính đủ thực tế hiện nay. Bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu, bởi quy định này luôn xảy ra tình trạng không thương nhân đầu mối nào chủ động được lượng hàng cho thương nhân phân phối, và thương nhân phân phối dễ bị thương nhân đầu mối bỏ rơi khi lượng hàng khan hiếm.
Hiện nay việc điều hành xăng dầu liên quan đến nhiều bộ ban ngành và 63 tỉnh thành địa phương. Trong đó, vai trò điều hành chính được giao cho liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Vì thế, để điều hành xăng dầu được thuận lợi, không bị lúng túng như hiên nay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành liên quan. Đồng thời có thể giao việc quản lý xăng dầu cho một đầu mối cụ thể.
Cũng liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong điều hành xăng dầu, báo Giao thông dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đề xuất giao hết quản lý xăng dầu cho Bộ Công thương: "Sắp tới, chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa nghị định có liên quan, giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công thương, kể cả quyền định giá và chi phí định mức, để đảm bảo nguồn cung chủ động. Đồng thời, tăng cường phối hợp chủ động trong nguồn cung và phối hợp đầu mối, phân phối bản lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết các vấn đề khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất phục vụ sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra nhiều giải pháp, các DN sản xuất và DN đầu mối, thương nhân phân phối cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh, phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các DN nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước. Các DN sản xuất cần phải chuyên nghiệp và áp dụng kỷ luật khắt khe hơn với DN đầu mối để kế hoạch sản xuất và kế hoạch phân phối phải ăn khớp với nhau, tránh tình trạng "ký hợp đồng xong để đấy”.
Các DN đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao của Bộ Công thương, nhất là thời điểm cuối năm.
Ngoài ra, các DN đầu mối, kể cả các thương nhân phân phối phải bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định, bảo đảm lượng nhưng phải bảo đảm đúng quy trình; các DN đầu mối và thương nhân phân phối sẽ phải triển khai ứng dụng phần mềm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, kết nối từ Bộ Công thương đến với các DN sản xuất, DN đầu mối, thương nhân phân phối nhằm minh bạch hóa thông tin, thuận lợi hóa trong quản lý lưu thông và bảo đảm công bằng giữa các DN với nhau.
Theo THPL