Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần qua tăng lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm, với mức tăng tới hơn 6%, lên mức cao nhất gần 2 tháng. Giá dầu tăng cao nhờ hàng loạt thông tin hỗ trợ.
Đến tuần này, giá dầu giảm nhẹ ở phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, 2 phiên giao dịch gần đây, giá dầu thế giới có xu hướng đi lên.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, vào lúc 7h57' ngày 31/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,87 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức 77,98 USD/thùng.
Còn tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này trong kỳ vừa qua tăng so với kỳ trước. Đáng chú ý, mức tăng tương đối lớn.
Nhận định về giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (1/2), lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho hay, giá xăng trong nước sẽ tăng theo xu hướng của giá xăng thế giới.
Nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 940-1.090 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có thể tăng từ 690-790 đồng/lít.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm nay. Cũng theo dự báo trên, giá xăng RON 95 có thể vượt mốc 24.000 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 25/1), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 760 đồng/lít, lên 22.170 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 920 đồng/lít, giá bán là 23.400 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 180 đồng/lít, giá là 20.370 đồng/lít. Còn giá dầu hoả tăng 10 đồng/lít, giá bán tăng lên 20.540 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời không chi sử dụng Quỹ.
Liên quan đến thị trường xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thời gian tới.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường; chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống; tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.