Chiều 11/1, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h, ngày 11/1.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên giá xăng E5 RON 92, RON 95. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 vẫn là 21.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.150 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu kỳ điều hành này cũng quay đầu giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 520 đồng đồng/lít còn 21.630 đồng/lít. Hiện, giá dầu diesel đã về mức thấp hơn giá xăng trong nước.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước vẫn giữ nguyên sau 2 lần tăng liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 3 lần điều chỉnh giá, trong đó có 2 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 và RON95; trích lập Quỹ với dầu diesel là 605 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít, dầu mazut 300 đồng/kg.
Trước đó, trong kỳ điều hành ngày 3/1, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 332 đồng/lít; xăng RON 95-III tăng 347 đồng/lít; dầu diesel giữ nguyên giá bán; dầu hoả tăng 601 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 107 đồng/kg.
Năm 2022 là năm nhiều biến động của thị trường xăng dầu, có thời điểm giá xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít, cũng có lúc xuống dưới 20.000 đồng/lít. Giá nhiên liệu đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng, 16 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở xăng dầu. Theo đó, việc sửa đổi thực hiện theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, định hướng cho việc tính giá xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là bảo đảm các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh đối với từng doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, đưa giá xăng dầu dần theo thị trường quyết định, hạn chế việc đầu cơ găm hàng, khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
“Khi các doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định các chi phí trong kinh doanh xăng dầu, vấn đề chiết khấu cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống phân phối sẽ được giải quyết. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ cân đối và duy trì chiết khấu trong hệ thống ở mức phù hợp với thực tế cung cầu xăng dầu trên thị trường từng giai đoạn và giúp thúc đẩy tính cạnh tranh”, Bộ Công Thương lý giải.
Kinh tế Môi trường