Giá dầu thô Brent tăng 1,05 USD, tương đương 1,12%, lên mức 94,42 USD/thùng,. Giá dầu thô WTI chốt phiên giao dịch ở mức 88,45 USD/thùng, tăng 69 cent, tương đương 0,8%.
Thỏa thuận giảm mục tiêu sản lượng cho tháng 11 của OPEC và các đồng minh bao gồm Nga được đưa ra trước lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga sẽ siết chặt nguồn cung trong một thị trường vốn đã eo hẹp, đồng thời làm gia tăng lạm phát.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết, việc cắt giảm nguồn cung thực sẽ chỉ khoảng 1 triệu thùng tới 1,1 triệu thùng/ngày. Lượng cắt giảm của Saudi Arabia khoảng 0,5 triệu thùng/ngày.
Một vài thành viên của OPEC+ đang vật lộn để sản xuất ở mức hạn ngạch vì thiếu đầu tư và các lệnh trừng phạt.
Việc cắt giảm sản lượng diễn ra khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đang nâng lãi suất để chống lại lạm phát. Giá dầu tăng có thể sẽ làm giảm nhu cầu điều đó sẽ hạn chế đà tăng giá.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ thất vọng về kế hoạch của OPEC+ và cho biết, Mỹ đang tìm cách giữ giá dầu không tăng.
Trước đó Nhà Trắng cho biết, Biden sẽ tiếp tục đánh giá xem có nên giải phóng thêm dầu từ Kho Dầu mỏ Chiến lược không và sẽ tham khảo ý kiến của Quốc hội về các cách khác để giảm bớt sự kiểm soát thị trường từ OPEC và các đồng minh.
Cùng với quyết định của OPEC+, thông tin về nguồn cung của Mỹ cũng thúc đẩy giá dầu. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước bất ngờ giảm 1,4 triệu thùng xuống còn 429,2 triệu thùng; dự trữ xăng giảm 4,7 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, cũng giảm mạnh hơn dự kiến, giảm 3,4 triệu thùng.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7-10 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 20.732 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 21.443 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.208 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.688 đồng/lít và dầu mazut không quá 14.094 đồng/kg.
Ngọc Phi (tổng hợp)