Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Chính phủ trước 1/4?

admin
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1/4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 164/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Công điện nêu rõ, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và nhân dân đã khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân và huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể tầng lớp nhân dân. Thời gian tới, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án Luật được Quốc hội thông qua.

Để bảo đảm việc tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của nhân dân đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội).

luat-dat-dai-1679324941.jpegThủ tướng yêu cầu trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trước 1/4
 

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)đôn đốc việc gửi báo cáo theo đúng kế hoạch của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân.

Bộ TN&MT phải tập trung mọi nguồn lực để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, toàn diện, khách quan tất cả ý kiến của nhân dân, bảo đảm chất lượng, thời hạn để xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1/4/2023.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, tính đến hết ngày 15/3, đã có 7.979 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ.

Trong số gần 8.000 ý kiến, có 10 nội dung nhận được nhiều ý kiến là: Chế độ sử dụng các loại đất (1209 ý kiến – 15,2%); Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (990 ý kiến – 12,4%); Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (756 ý kiến – 9,5%); Đăng ký đất đai, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (667 ý kiến – 8,3%); Quy hoạch, sử dụng đất (645 ý kiến – 8,1%); Thu hồi đất, trưng dụng đất (602 ý kiến – 7,5%); Quy định chung (544 ý kiến – 6,8%); Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai (541 ý kiến – 6,78%); Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (437 ý kiến – 5,5%); Tài chính về đất đai, giá đất (392 ý kiến – 4,9%).

Bên cạnh đó, Bộ đã nhận được 84 ý kiến góp ý bằng văn bản, trong đó 22 ý kiến là của tổ chức, còn lại là cá nhân; 01 tỉnh (Lào Cai) đã gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn về Bộ.

Liên quan đến nội dung cụ thể, một số Điều liên quan đến thu hồi đất chiếm số lượng lớn. Đó là: Điều 79: Căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng (108 lượt góp ý); Điều 78: Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (86 lượt ý kiến); Điều 89: Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (64 lượt ý kiến); Điều 77: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (63 ý kiến).

Bộ TN&MT sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau thời gian thực thi, Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.

Tính đến nay, dự án luật này có 4 lần được “đưa vào, rút ra” vì luật khó, nhạy cảm, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng. Sau khi trình lên Quốc hội dự thảo vào tháng 10/2022, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến người dân đến hết ngày 15/3. Nếu đảm bảo điều kiện, luật này có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, diễn ra cuối năm 2023.

Theo DNVN

{