Vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty BĐS Nhật Nam) đã có thông báo số: 261/2022/TB-NN về kế hoạch phân chia lợi nhuận trong 3 tháng 10, 11, 12 năm 2022 đối với các hợp đồng ký từ 30/4/2022 trở về trước.
Theo thông báo của Công ty BĐS Nhật Nam, sau gần 4 năm xây dựng và phát triển, Công ty BĐS Nhật Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường kinh doanh. Hiện Công ty đang tập trung chuyển mình trở thành một chủ đầu tư lớn. Với dự định thâu tóm và mua thêm nhiều dự án bất động sản có giá trị sinh lợi nhuận cao bên ngoài thị trường. Điển hình là dự án chung cư tại Hà Nội mà công ty đang hướng tới mua trong tháng 10/2022.
Theo đó, Công ty BĐS Nhật Nam thông báo việc phân chia lợi nhuận tháng 10, 11, 12 năm 2022 của các hợp đồng hợp tác từ 30/4/2022 trở về trước, sẽ được chia phần lợi nhuận là 2,8%/tháng.
Cũng theo thông báo này, với lý do dự định mua dự án lớn để khẳng định sự lớn mạnh, tính bền vững của mình nên phần hoàn gốc cho các khách hàng, Công ty BĐS Nhật Nam tạm thời không được chi trả trong 3 tháng nêu trên.
Có thể thấy, việc không chi trả hoàn gốc cho các khách hàng mà Công ty BĐS Nhật Nam đã huy động vốn từ trước ngày 30/4/2022 phải chăng là dấu hiệu “bất thường” về tình hình tài chính của Công ty BĐS Nhật Nam sau khi bị cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành đưa ra cảnh báo về hoạt động cũng như rủi ro khi hợp tác với công ty này.
Không biết, lý do dự định mua dự án lớn của Công ty BĐS Nhật Nam có phải là thật hay chỉ là “chiêu trò hoãn binh” dùng để kéo dài thời gian hoàn vốn gốc cho khách hàng khi trước đó, vào tháng 9/2022, Công ty BĐS Nhật Nam vẫn rầm rộ kêu gọi, chèo kéo khách hàng để huy động vốn, thậm chí còn nâng mức lãi suất chi trả từ 68% lên 92% trong vòng 24 tháng cho khách hàng hợp tác mới.
Như đã thông tin, Công ty BĐS Nhật Nam (địa chỉ tại số: 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM) đang bị Cục An ninh kinh tế, Bộ công an, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình và mới nhất là VP UBND TP Việt Trì tỉnh Phú Thọ cùng các cơ quan chức năng phát đi cảnh báo “về việc có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh" tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự”.
Cũng theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty BĐS Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình "Ponzi" (lấy tiền của người trước trả cho người sau).
Để làm rõ việc huy động vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, phóng viên đã tìm đến Công ty BĐS Nhật Nam theo địa chỉ mà các cơ quan chức năng cảnh báo để liên hệ làm việc.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại địa chỉ 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM, hiện tòa nhà này đang trưng biển cho thuê văn phòng và Công ty BĐS Nhật Nam đã không còn hoạt động tại địa chỉ này và đã chuyển về địa chỉ số 449 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP. HCM. Phóng viên đã liên hệ gửi giấy giới thiệu, nội dung và được tiếp nhận tuy nhiên, đến nay Công ty BĐS Nhật Nam chưa có bất kỳ phản hồi nào về vấn đề huy động vốn cũng như cảnh báo của các cơ quan chức năng.
Nhìn nhận về việc cam kết lợi nhuận cao bất thường để huy động vốn, luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty luật Trung Lê và Cộng Sự cho rằng, trước khi khách hàng quyết định tham gia vào hợp tác với mức lợi nhuận khủng như trên, thì có một số vấn đề đáng lưu ý.
Thứ nhất, nếu một công ty có nền tài chính, tài sản và kế hoạch phát triển tốt thì họ hoàn toàn có khả năng đi vay từ nguồn ngân hàng. Vì vậy, tại sao họ phải chấp nhận đi huy động với mức lãi suất cao gấp nhiều lần như vậy? Kế hoạch của họ có khả thi hay không và tài chính của họ có lành mạnh hay không là điều có thể thấy được.
Thứ hai, về mặt pháp lý thì bản chất của “hợp đồng hợp tác kinh doanh” là cùng nhau phân chia lợi nhuận và rủi ro trong quá trình hợp tác. Trong khi đó, bản thân khách hàng (người tham gia hợp đồng) sẽ không nắm được việc hợp tác cụ thể ra sao? tiền giao cho họ được sử dụng như thế nào và có đúng mục đích hay không mà chỉ là phó thác vào lời hứa và niềm hy vọng họ sẽ thực hiện đúng.
Thứ ba, với mô hình là công ty cổ phần, một pháp nhân độc lập; do đó, trong trường hợp không có khả năng trả nợ, hoàn trả tiền như đã cam kết với các đối tác (bao gồm: người tham gia “hợp đồng hợp tác đầu tư”, bên thuê địa điểm và tất cả các nguồn phải chi trả khác) thì công ty này hoàn toàn dựa vào pháp luật về phá sản. Mà trong đó, khi các cổ đông (chủ sở hữu của công ty) đã góp đủ vốn điều lệ thì xem như đã hết trách nhiệm.
Thực tế, trước đây cũng đã có nhiều tổ chức, công ty đã sử dụng “chiêu trò” huy động vốn bằng hình thức “hợp đồng hợp tác kinh doanh” với cam kết lợi nhuận từ 28%/năm trở lên đã được xem là bất hợp lý về mặt tài chính, và kết quả đều dẫn đến việc công ty không còn khả năng chi trả, còn người tham gia thì hoàn toàn chịu thiệt hại, cụ thể là không còn khả năng thu hồi phần vốn gốc chứ chưa nói đến lợi nhuận. Trong các vụ việc này, mặc dù cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông đã cảnh báo bằng nhiều kênh phương tiện khác nhau, tuy nhiên nhiều người bị “hấp dẫn” của mức lợi nhuận được tô vẽ ra, nên đã bất chấp lời cảnh báo này và chấp nhận lao vào để rồi trở thành nạn nhân.