Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển với 9 khu công nghiệp, chiếm khoảng 30% tổng diện tích đất công nghiệp toàn tỉnh.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho sinh hoạt của người dân và nước sản xuất, hệ thống cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai, Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch và Công ty CP cấp nước Hồ Cầu Mới đã phủ kín khắp ngõ hẻm, đảm bảo nguồn cung cho sự phát triển của KCN và các khu dân cư trên địa bàn huyện với tầm nhìn đến năm 2030.
Lưu lượng cấp nước hiện tại khu vực khoảng 160.000 m 3 /ngày, vượt xa nhu cầu sử dụng nước của địa phương. Từ năm 2018, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chấp hành ngừng khai thác nước dưới đất theo các quyết định của UBND tỉnh, bao gồm cả đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác nước ngầm để cung cấp nước sạch cho người dân và sản xuất của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp còn lại tham gia lộ trình hạn chế khai thác nước dưới đất đến khi có nguồn nước cung cấp tới nơi, đảm bảo không còn doanh nghiệp nào khai thác nước dưới đất khi nguồn nước mặt đã tới chân hàng rào doanh nghiệp.
Thế nhưng, trước nỗ lực chung của cả cộng đồng, một sự việc tréo ngoe lại xảy ra gây bức xúc trong dư luận và bất bình đẳng giữa doanh nghiệp.
Theo đó, bất chấp mạng lưới cấp nước từ nguồn nước mặt đã được đấu nối vào hệ thống cấp nước trong khu công nghiệp, Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO (đơn vị quản lý hạ tầng KCN) vẫn thản nhiên khai thác hàng chục ngàn mét khối nước một ngày để bán lại cho doanh nghiệp thuộc 02 khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 5.
Trước đó, ngày 27/03/2018, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản số 2884/UBND-CNN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xem xét, điều chỉnh các giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ.
Qua rà soát danh sách các doanh nghiệp khai thác nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp nằm trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó có Công ty IDICO.
UBND tỉnh đề nghị Bộ TN&MT xem xét, điều chỉnh, rút ngắn thời hạn (đến hết năm 2018) giấy phép khai thác nước dưới đất với Công ty IDICO.
Đồng thời, chỉ đạo Công ty IDICO liên hệ với đơn vị đang cấp nước tại khu vực để đấu nối vào hệ thống cung cấp nước sách tập trung đưa về phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. “Xem xét, không cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đối với các trường hợp nằm trong khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung được khai thác từ nguồn nước mặt và vùng cấm, vùng hạn chế khai thác dưới đất và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh”, Văn bản của UBND tỉnh nêu rõ.
Tiếp đó, ngày 02/07/2019, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có văn bản số 7537/UBND-CNN gửi Bộ TN&MT về việc xem xét, không gia hạn các giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ.
Theo văn bản, nhằm hạn chế việc khai thác tài nguyên dưới đất, phòng tránh hệ lụy do khai thác nước dưới đất gây ra (xâm nhập mặn, sụt lún mặt đất, ô nhiễm, cạn kiệt và suy thoái tài nguyên dưới đất), UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và khu vực phải khai thác dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ TN&MT xem xét không gia hạn đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất của các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được Bộ cấp theo thẩm quyền, tránh chồng chéo, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Chính phủ.
Điều đáng nói, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đã nhiều lần cảnh báo về hiện tượng sụt lún, nhiễm mặn, suy giảm chất lượng nguồn nước ngầm tại địa phương, nhưng Công ty IDICO vẫn được Bộ TN&MT cấp phép khai thác nước dưới đất theo 02 giấy phép số 50/GP-BTNMT ngày 23/3/2020 và số 124/GP-BTNMT ngày 26/7/2021 với lưu lượng lên tới 23.000m3 /ngày đêm.
Tất cả 32 giếng khai thác của IDICO đều tập trung ở các xã Long Tân, Phú Hội, Hiệp Phước và Phước Thiền của huyện Nhơn Trạch, nơi trữ lượng có thể khai thác chỉ đạt khoảng 8.334m3 /ngày đêm (theo Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm, vùng phải đăng ký khai thác nước ngầm tại Huyện Nhơn Trạch).
Như vậy, lượng nước mà Công ty IDICO đang khai thác cao gấp 2,7 lần so với trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác của cả 04 xã nói trên. Điều này khiến dư luận địa phương không khỏi băn khoăn về độ an toàn của khu vực mình đang sinh sống.
Theo ông Ngô Dương Đại, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch, khi UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi giấy phép khai thác nước dưới đất, doanh nghiệp chấp nhận bỏ chi phí cao hơn để mua nước sạch từ các đơn vị cấp nước khác trên địa bàn nhằm tiếp tục cấp cho khách hàng.
Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận thấp hơn, chỉ đạt khoảng 50% so với trước đây; doanh nghiệp cũng phải thu gọn hệ thống quản lý, nhân sự do một số hạng mục công trình giờ đã không còn được vận hành nữa. Nhưng với sự không đồng đều, chỗ làm chỗ không khi thực hiện chính sách hạn chế khai thác nước dưới đất như hiện nay đang kéo theo sự chênh lệch về lợi ích, làm doanh nghiệp mất đi lợi thế cân bằng trong cạnh tranh nguồn vốn, kế hoạch phát triển, mở rộng mạng lưới cấp nước của doanh nghiệp trong tương lai, khi một bên nghiêm chỉnh chấp hành ngừng khai thác nước ngầm, còn một bên vẫn ung dung khai thác nước ngầm để bán.
Năm 2022, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 297 và 298/QĐ- UBND phê duyệt danh mục vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 165 giếng khoan được đưa vào lộ trình thực hiện hạn chế nước dưới đất. Sở TN&MT khẳng định chỉ tham mưu UBND tỉnh gia hạn, cấp phép khai thác nước dưới đất đối với khu vực chưa có nước cấp tới nơi. Những đơn vị đã có nước cấp tới chân hàng rào đều được yêu cầu đấu nối, sử dụng nước cấp từ nguồn nước mặt.